KTĐT - Vợ tôi người Sài Gòn, gia đình có của ăn của để, có hai anh trai đều đã lập gia đình, thành đạt và khá giả. Anh Hai đang ở với cha mẹ. Hai người anh của cô ấy không thích tôi vì chê tôi học vấn thấp, nhà nghèo lại ở miền quê; nhưng ba mẹ vợ tôi là người nhân hậu nên cũng bằng lòng gả con gái cho tôi - một công nhân quèn.
Tôi là dân quê chính gốc, lên Sài Gòn làm công nhân 7 năm nay. Mẹ tôi mất sớm, nhà nghèo, con đông nên anh em tôi lớn lên ai tự lo thân nấy.
Vợ tôi người Sài Gòn, gia đình có của ăn của để, có hai anh trai đều đã lập gia đình, thành đạt và khá giả. Anh Hai đang ở với cha mẹ. Hai người anh của cô ấy không thích tôi vì chê tôi học vấn thấp, nhà nghèo lại ở miền quê; nhưng ba mẹ vợ tôi là người nhân hậu nên cũng bằng lòng gả con gái cho tôi - một công nhân quèn.
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi thuê nhà trọ ở, dù lương chúng tôi không cao nhưng cũng đủ trang trải. Dành dụm chắt chiu gần 2 năm chúng tôi mới dám sinh con nhưng từ khi con gái ra đời, cuộc sống chúng tôi bắt đầu chật vật, nhất là khi vợ tôi đi dạy lại.
Thương con nhỏ, tôi đành nghỉ làm ở nhà chăm sóc con. Cũng từ đó, đủ thứ khó khăn chồng chất, nào tiền sữa cho con, tiền sinh hoạt, tiền nhà trọ đều phụ thuộc vào đồng lương giáo viên của cô ấy.
Thấy vậy, ba mẹ vợ tôi bàn nhau trích một phần tiền dưỡng già mua cho vợ chồng tôimột mảnh đất ở vùng ven, cất vài phòng trọ; rồi cho ít vốn mở một tiệm tạp hóa nhỏ để tôi vừa trông con, vừa trông coi nhà trọ và bán tạp hóa.
Khi biết ý định này, hai anh vợ phản đối quyết liệt với lý do… “ai biểu lấy chồng nghèo, ráng chịu”; và họ còn nói thẳng với tôi rằng, “mày là chồng, mày không nuôi nổi vợ, để vợ phải xòe tay xin tiền của cha mẹ, không biết nhục sao?”. Thật là đau đớn!
Tôi nhục lắm, nhưng lực bất tòng tâm. Tôi không rượu chè, cờ bạc, không tệ bạc với vợ, luôn làm việc chăm chỉ nhưng vì hoàn cảnh, cái nghèo vẫn bám lấy tôi. Cha mẹ tôi nghèo, không sao có tiền của để cho con trai làm giàu nơi xứ sở đắt đỏ như Sài Gòn; Thân tôi tài mọn, sức hèn làm sao có thể bảo đảm cho cô ấy có một cuộc sống sung túc như ở nhà mẹ đẻ!
Những lời xỉ vả của hai người anh vợ khiến tôi cứ lần lữa không đồng ý nhận “tài trợ” của cha mẹ vợ. Vướng bận con nhỏ không ra ngoài kiếm tiền được, tôi cố hết sức để trở thành người “nội trợ đảm đang”, mong giảm bớt những vất vả cho vợ.
Vợ tôi cũng thông cảm cho chồng, không hề phàn nàn, đòi hỏi gì. Chúng tôi tiết kiệm tối đa mọi chi phí trong cảnh vật giá ngày càng leo thang, nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Thương con gái, thương cháu ngoại vất vả, cha mẹ vợ tôi kiên quyết mua đất cho vợ chồng bất chấp sự phản đối của hai anh.
Thương vợ cực khổ vì mình, ái ngại vì tấm lòng của cha mẹ vợ, tôi dẹp hết sĩ diện, nhận sự “ưu ái” từ cha mẹ vợ trong sự dè bỉu của hai người anh.
Kể từ khi có khu nhà trọ, vừa tiết giảm được chi phí thuê nhà, lại có thêm thu nhập, cuộc sống vợ chồng tôi dễ thở hơn.
Nhưng cũng từ đó, mỗi khi có dịp tề tựu về nhà vợ, chạm mặt với hai anh trai của cô ấy, tôi thấy hết sức khổ sở. Tôi cố gắng chào hỏi lễ phép, nhã nhặn nhưng đều nhận lại sự lạnh nhạt, khinh rẻ. Lúc đó, cảm giác khó thở, nghèn nghẹn cứ dâng lên trong tôi. Tôi không biết mình phải chịu đựng tình cảnh này đến bao lâu nữa?
Nhìn thấy người ta, anh vợ, em rể thân thiết nhau, cứ vài ba bữa lại rủ nhau đi nhậu, lễ tết, giỗ chạp thì quần tụ trò chuyện rôm rả mà tôi tủi phận.
Dù cố gắng “lơ” mọi chuyện khinh rẻ ấy, luôn cố gắng làm tròn nghĩa vụ làm chồng, làm rể, và cố gắng dành dụm để có ngày trả hiếu cho cha mẹ vợ nhưng cái cảm giác mình là một thằng đàn ông “chẳng làm nên tích sự gì” luôn làm tôi đau đớn, tủi hổ!