Dù Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi" 4 ngân hàng lớn song nhiều người vẫn lo ngại, đó chỉ là yêu cầu các ngân hàng thương mại chưa tăng phí rút tiền ATM nội mạng còn với các loại giao dịch khác và với các loại thẻ ngân hàng khác thì sao?
Đối với phí rút tiền mặt nội mạng, tại Thông tư 35/2012/TT-NHNN đã quy định mức phí tối đa từ 1.000 đồng/giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng/giao dịch năm 2015 và phí rút tiền mặt ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch; người thực hiện rút tiền ATM khác ngân hàng phí sẽ dao động mức 0 - 3.000 đồng/lần giao dịch, tùy năng lực tài chính từng ngân hàng. Hơn 5 năm từ thời điểm Thông tư 35 có hiệu lực, trừ dịch vụ truy vấn số dư chưa tính phí, hầu hết ngân hàng đều tính phí giao dịch trên máy ATM.
Trong khi đó, hiện nay không chỉ thẻ nội địa, còn có nhiều loại thẻ khác như: Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và rất nhiều các giao dịch khác online, chuyển khoản thanh toán, giao dịch qua POS, qua điện thoại… Đi kèm với đó là ngân hàng “đẻ” ra rất nhiều khoản phí lặt vặt. Các ngân hàng đang thu phí theo hai hướng mà theo phản ánh của khách hàng là "tận thu, phí chồng phí".Ví như quản lý tài khoản từ 2.000 - 5.000 đồng/tháng, riêng đối với khách hàng sử dụng dịch vụ NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) thì phí duy trì tài khoản mỗi tháng lên 100.000 đồng; phí đóng tài khoản từ 20.000 - 50.000 đồng đối với tài khoản mở dưới 12 tháng; phí vấn tin tài khoản 550 đồng/giao dịch, phí in sao kê tài khoản 550 đồng/giao dịch... Trong các mức phí mà NH đưa ra, một số loại phí mà người sử dụng sẽ trả hằng tháng, đó là phí nhận tin nhắn SMS hiện nay từ 8.800 - 11.000 đồng/tháng, tức 105.000 - 132.000 đồng/năm. Rồi phí phạt chậm thanh toán ở thẻ tín dụng có NH áp đến 6%. Như vậy chỉ tính sơ sơ mỗi năm, chủ thẻ đã phải trả vài trăm ngàn khi sử dụng một số dịch vụ cơ bản. Điều đáng lưu ý là nhiều chủ thẻ không được cập nhật kịp thời các loại phí này, mà chỉ khi phát sinh sự cố thì mới nắm được.Người sử dụng dịch vụ ngân hàng ngộp trong “rừng phí" khi ngân hàng điều chỉnh biểu phí gần đây. Loại nào bắt buộc, loại nào không đều không thông tin rõ trong khi chất lượng dịch vụ lại không tăng tương ứng (máy rút tiền trục trặc, kẹt thẻ, nhiều vụ mất tiền xảy ra, giới hạn hạn mức…).Các ngân hàng kêu lỗ, thu chưa đủ bù đắp đầu tư, song thực tế đây lại là mảng kinh doanh nhiều ngân hàng hướng đến với tỷ suất lợi nhuận rất cao. Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ, những loại nào được thu và thu như thế nào, yêu cầu các ngân hàng tính cụ thể chi phí, rạch ròi, công khai tránh để chấm dứt những loại phí lặt vặt, không cần thiết, không hợp lý, gây cho chủ thẻ cảm giác bị tận thu, mất thiện cảm. Đồng thời phải có cơ chế xử phạt nghiêm, không thể nay "tuýt còi", mai các ngân hàng vẫn "rình" tăng phí. Cùng với quản lý chặt chẽ yêu cầu phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới chất lượng thanh toán, đảm bảo an toàn hệ thống… nếu không khách hàng sẽ quay lại ưu tiên sử dụng tiền mặt. Điều này là đi ngược với mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.