Nón lá Phú Châu cần một thương hiệu

Nguyễn Hường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề làm nón ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì từ lâu đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn thu ổn định góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Nhưng, để nâng cao giá trị sản phẩm, nón lá Phú Châu rất cần một thương hiệu…

Chiếc nón vốn được làm ra từ những thứ mộc mạc, gần gũi với cuộc sống bình dị của người nông dân như lá tre, nứa, mũi kim, lá nón… Bằng sự khéo léo từ đôi tay, người dân Phú Châu quanh năm cần cù làm ra hàng trăm nghìn chiếc nón cung ứng cho thị trường cả nước. Chị Phan Thị Hoa, thôn Phú Xuyên 2, xã Phú Châu cho biết, nón lá Phú Châu có những điểm khác biệt so với nón lá ở nơi khác. Đó là nón rất thanh, độ bền chắc luôn được đảm bảo. Đặc biệt, nón Phú Châu các mối nối của sợi móc được giấu kín, khi nhìn chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mũi khâu mịn màng nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nón ở đây được người dân chia làm hai loại. Loại một được gọi là “nón thửa” là những chiếc nón được khách đặt sử dụng vào các dịp hội hè, hay làm quà, có giá dao động từ 100.000 - 120.000  đồng/cái. Loại thứ hai là nón thông dụng được người dân sử dụng hàng ngày, có giá từ 30.000  - 50.000 đồng/cái. Người giỏi một ngày có thể làm ra từ 2 - 3 chiếc nón đẹp, vừa làm việc đồng áng, vừa tranh thủ làm nón cũng được một chiếc mỗi ngày. Cứ như vậy, nghề nón đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống của người dân xã Phú Châu.
Với người dân Phú Châu, nghề làm nón không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn là niềm tự hào. Người làm nghề lúc nào cũng dành tâm huyết cho chiếc nón, vì mỗi chiếc nón chứa đầy tình cảm, niềm đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ. Theo dòng chảy của thời gian, để giữ nghề cho quê hương mình, nghề làm nón ở Phú Châu đã được truyền lại cho bao thế hệ từ năm 1939 đến nay. Em Lê Thị Ngọc Ánh, thôn Phú Xuyên 2, xã Phú Châu theo mẹ học nghề nón từ khi 6 tuổi. Hàng ngày, ngoài giờ học em lại tranh thủ làm nón, phụ giúp kinh tế gia đình. “Đối với em nghề làm nón đã nuôi sống cả gia đình và giúp cho chúng em ăn học hàng ngày. Em mong nón lá Phú Châu có thể được đem đi nhiều nơi và được nhiều người biết đến”  - em Ánh bày tỏ.
Xã Phú Châu có 6 thôn thì cả 6 thôn đều làm nghề nón với gần 3.000 người trực tiếp làm nghề nên đã được công nhận là xã nghề truyền thống nón lá. Tuy nghề làm nón không dễ làm giàu nhưng đã mang lại đời sống kinh tế ổn định cho nhiều hộ dân. Nghề nón ở Phú Châu mỗi năm đóng góp gần 26 tỷ đồng góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Song, muốn đưa nghề làm nón vươn ra xa hơn nữa lại là bài toán khó chưa có lời giải. Chủ tịch UBND xã Phú Châu Nguyễn Văn Hòa cho rằng, để duy trì, giữ vững và phát triển làng nghề truyền thống, ngoài sự nỗ lực của Nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền TP hỗ trợ thêm. Đặc biệt là nguồn vốn giải quyết việc làm để các hộ mở rộng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý và kinh phí xây dựng thương hiệu nón lá truyền thống Phú Châu thông qua tiếp thị, xúc tiến thương mại, các hình thức quảng cáo, tham gia hội chợ để nón lá Phú Châu có thể trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng núi Ba Vì .