Câu hỏi
Xin hỏi luật sư, đất bà ngoại tôi cho người ta mượn để ở lúc chưa có sổ đỏ, giờ người ta tự ý làm giấy tờ đứng tên họ, vậy bà ngoại tôi có lấy lại được mảnh đất này không?
Trả lời
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 và các quy định pháp luật khác liên quan.
Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
(1) Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
(2) Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013;
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Theo thông tin bạn cung cấp, bà ngoại bạn có đất ở và cho một người khác mượn để ở. Tuy nhiên, người mượn đất ở đã tự ý làm các giấy tờ đứng tên người đó. Giữa gia đình ngoại bạn và người người mượn đất tranh chấp về quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên.
Trường hợp gia đình ngoại bạn và người mượn đất không thể thỏa thuận được về việc ai là người có quyền sử dụng đất, gia đình bạn làm đơn gửi đến UBND cấp xã nơi có đất yêu cầu tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật. Trường hợp UBND cấp xã nơi có đất đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, thì ngoại bạn có thể lựa chọn:
- Thứ nhất: Tiến hành nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện nơi có đất để được giải quyết;
- Thứ hai: Khởi kiện ra Tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Thủ tục khởi kiện tại toà án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bạn cần nộp đơn tại Toà án nhân dân cấp tỉnh. Đơn khởi kiện cần nộp kèm các chứng cứ để chứng minh quyền sử dụng đất đã cho mượn.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn