Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Non thiêng Yên Tử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nằm cách trung tâm thành phố Uông Bí thuộc tỉnh Quảng Ninh gần 20km, Yên Tử là một ngọn núi đẹp nổi tiếng của Việt Nam.

KTĐT - Nằm cách trung tâm thành phố Uông Bí thuộc tỉnh Quảng Ninh gần 20km, Yên Tử là một ngọn núi đẹp nổi tiếngcủa Việt Nam. Xưa kia nơi đây là kinh đô Phật giáo Việt Nam với thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng mà người sáng lập là một anh hùng dân tộc - vị vua anh minh Trần Nhân Tông (1258 - 1308).

Yên Tử được bao bọc bởi những con suối trong vắt, lững lờ như vải lụa uốn quanh những rừng trúc, rừng tùng xanh bạt ngàn, thấp thoáng ẩn hiện là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính. Cũng như bao người, chúng tôi cũng bắt đầu hành hương về đất Phật - Yên Tử, từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh cổ kính, vững chãi nối hai bờ suối. Tục truyền, xưa kia khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại đã tìm đến cõi Phật, rất nhiều cung tần và mỹ nữ đi theo. Họ đã khuyên ông trở về cung cấm, nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm đã lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên Giải Oan.

Từ chùa Giải Oan, chúng tôi tiếp tục đi thêm 6 km nữa để đến được đỉnh Yên Tử. Phong cảnh núi non hùng vĩ hai bên đường, với những rừng trúc và hàng tùng cổ thụ có tuổi đời đã 700- 800 năm,tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Những cây tùng cổ thụ thân to rắn chắc, rễ bò lan mặt đường như những con trăn lớn đang trườn mình xếp thành những bậc thang vững chắc đỡ chân du khách hành hương về đất Phật.Qua dốc Voi phục, tục truyền xưa kia vua Trần Anh Tông mỗi khi lên thăm nơi tu hành của Trần Nhân Tông, đều phải xuống kiệu nơi này leo bộ lên chùa, chúng tôi đến thăm chùa Hoa Yên - còn được gọi là chùa Cả và Tháp Tổ (Huệ Quang Kim tháp) được xây dựng năm 1309 lưu giữ xá lị của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ngày nay, chùa Hoa Yên không chỉ là nơi lưu giữ xá lị "Phật" mà còn còn lưu giữ nhiều di vật qúy giá: gạch hoa cúc, ngói mũi hài kép thời Trần, phù điêu chạm trên đá hình đầu rồng, sư tử…. Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu ẩn hiện trong làn mây mù bên triền núi cùng nhiều di tích danh thắng nổi tiếng khác như chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá An Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên…

Người hành hương về Yên Tử mong một lần chạm tay vào chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự, đến năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất cao 3m, nặng 70 tấn với hình dáng như một đài sen; trong chùa thờ Đức Phật Thích ca Mâu Ni và Tam tổ Trúc Lâm. Đặt chân đến chùa Đồng, khách hành hương có cảm tưởng như đã đến được Thiên Trúc - nơi bụi hồng trần không chút vấn vương, lòng người phiêu diêu thanh thoát. Đứng ở nơi này phóng tầm mắt ra xa là một bức tranh thiên nhiên vùng Đông Bắc rộng lớn kỳ vĩ nơi biển hòa lần với bầu trời, xa xa là những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long. Cúi xuống ngắm nhìn rừng trúc xanh thăm thẳm, dạt dào như sóng nước theo từng cơn gió, tựa như dải khăn nhà Phật trải dài trong trắng xóa mây bay. Nằm cách không xa non thiêng là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam, được xây trên nền dấu tích của chùa Lân, có tên chữ“Long Động tự” được xây dựng từ thời Trần.

Non thiêng Yên Tử bốn mùa mây bay khói tỏa và khu di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng là một di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia từ năm 1974. Đến nay, khu di tích này vẫn là địa điểm thu hút khách du lịch và những người hành hương về lễ Phật cầu quốc thái dân an, gia đạo bình an và cùng nhau tìm hiểu, bảo tồn cũng như gìn giữ những nét đẹp truyền thống của ông cha.