Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng bỏng giá vàng và USD

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường ngoại tệ tiếp tục nóng khi tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng mạnh cùng với những biến động tăng của đồng USD trên thị trường thế giới.

Tính chung trong 2 ngày cuối tuần, USD đã tăng gần 200 đồng. USD tại các ngân hàng có lúc lên tới 22.560 - 22.610 đồng (mua vào – bán ra). Trên thị trường tự do, một số DN ở Hà Nội báo giá USD ở mức 22.610 đồng (mua vào) và 22.650 đồng (bán ra).
Nhiều yếu tố cộng hưởng khiến giá USD tăng
Nguyên nhân chính đẩy tỷ giá tăng mạnh đến từ sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế, do tác động từ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngoài hiệu ứng tâm lý bị tác động từ thị trường thế giới, tỷ giá tăng còn do một số DN, tổ chức có nhu cầu mua USD cao hơn trong tuần qua. Đó là nhu cầu nhập khẩu hàng phục vụ mùa Tết và các nhu cầu tất toán hợp đồng có mùa vụ thông thường vào cuối năm, song các ngân hàng cho biết đều sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu này. Thực tế, giá USD theo biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện vẫn còn cách mức trần cho phép đáng kể (mức trần 22.775 VND). Nếu so với thời điểm đầu năm, giá USD bán ra của các NHTM hiện mới chỉ tăng gần 0,3%, trong khi tỷ giá trung tâm đã tăng chẵn 1%.

Kiểm ngân ngoại tệ tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực đã mất giá 10 - 20% so với USD thì với sự biến động khoảng 1% của VND/USD trong hơn 10 tháng qua vẫn là điểm tích cực. Nên trong 2 tháng cuối năm, nếu tỷ giá biến động 1 - 1,5% là chuyện không đáng ngại với các tổ chức tín dụng nói riêng và với thị trường nói chung.
Trong đợt biến động này, theo đánh giá của cả lãnh đạo các ngân hàng, giới chuyên gia lẫn Ngân hàng Nhà nước (NHNN), không hề có tình trạng khan hiếm. Thanh khoản ngoại tệ vẫn ổn định, các nhu cầu vẫn được đáp ứng đầy đủ. NHNN cũng đã sớm cân đối và điều tiết, cũng như sớm có động thái tiếp tục nới cho vay ngoại tệ trong năm 2017, qua đó đã tác động đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. “Sau khi giá USD bắt đầu tăng trở lại, NHNN đã yêu cầu các NHTM phải báo cáo tình hình mỗi ngày 2 lần. Từ báo cáo có thể thấy giá USD tăng thời gian gần đây nhưng không bất thường, cũng không xảy ra tình trạng găm giữ” - lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết.
Thị trường vàng là tác nhân chính
Mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ngày càng nới rộng khoảng cách được nhiều chuyên gia nhận định có thể là nguyên nhân khiến nhu cầu USD tăng lên do đầu cơ nhập lậu vàng. Trong tuần qua, tỷ giá tăng liên tục đã góp phần neo giá vàng miếng trong nước ở mức cao. Giá bán vàng miếng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 35,85 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,87 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi. Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần, giá USD bật tăng. Quy đổi theo tỷ giá, chênh lệch giá vàng trong nước đã lên đến gần 4 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch lớn này đã kích thích giới kinh doanh nhập vàng theo đường biên mậu. Và việc này cũng tác động phần nào đến giá USD trên thị trường tự do trong những ngày qua. “Giá USD trên thị trường có dấu hiệu tăng rất mạnh, thêm 200 đồng, lên 22.650 đồng/USD, song các điểm thu đổi đã doãng rộng chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra, từ 100 - 110 đồng, nếu giao dịch USD với mức giá này không có lời trong khi với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhập lậu vàng sẽ sinh lời rất cao. Vàng nguyên liệu để sản xuất cho vàng nữ trang là vàng bóng, chủ yếu mua từ con đường mậu dịch, tuy không chênh với giá thế giới tới 4 triệu đồng/lượng như vàng miếng SJC, nhưng giá trị sản phẩm này rất cao, nên chỉ cần chênh lệch một vài triệu đồng/lượng, lợi nhuận thu được từ vận chuyển lậu đã rất lớn” - ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) phân tích.
Ông Hải cũng cho rằng, giá vàng trong nước đã có dấu hiệu thoát ly giá vàng thế giới, do vậy cần can thiệp từ vĩ mô để ổn định thị trường. Đây là hiện tượng bất bình thường và cực kỳ nguy hiểm vì sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Thời điểm này, NHNN cần triển khai các biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng, cố gắng giữ giá vàng trong nước và thế giới tiếp cận gần nhau tránh gây ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc thời điểm bán ngoại tệ ra can thiệp thị trường. Với mức dự trữ ngoại hối dồi dào như hiện nay, đây là việc làm cần thiết. “Tuy nhiên, NHNN chỉ có thể can thiệp thị trường khi xác định được cầu USD tăng vọt, các ngân hàng không đủ ngoại tệ cung ứng cho DN” - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.