Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng chuyện thuế, phí

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi thị trường suy giảm ở nhiều mặt hàng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thì Triển lãm ô tô Việt Nam lần thứ 8 (Vietnam Motorshow 2012) đang diễn ra tại Hà Nội mới qua nửa thời gian, nhưng đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan.

Câu hỏi được quan tâm là, liệu bao nhiêu người trong lượng khách đông đảo này có nhu cầu tìm mua xe thực sự, hay đơn giản chỉ là đến để... ngắm? Và sau khi kết thúc sự kiện lớn nhất trong năm này của ngành công nghiệp (CN) ô tô, thị trường này có được "hâm nóng" sau một thời gian dài trầm lắng? 
 
Nóng chuyện thuế, phí - Ảnh 1
Nhiều thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới được giới thiệu tại Vietnam Motorshow 2012.   Ảnh: Thanh Hải

Hai nguyên nhân chính gây suy giảm thị trường

Theo thông tin từ hội thảo "Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển ngành CN và thị trường ô tô Việt Nam" ngày 27/9: Trong khi toàn bộ thị trường ô tô thế giới từ đầu năm đến nay đã tăng gần 30%, riêng châu Á tăng 40% so với năm ngoái, thị trường ô tô Việt Nam lại sụt giảm nhanh chóng kể từ năm 2010. Nhất là 8 tháng đầu năm nay, sản lượng chỉ đạt 64.520 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, và đến cuối năm, dự kiến chỉ đạt 100.000 xe, bằng một nửa lượng bán năm 2009. 

Thị trường ô tô chưa phát triển tương xứng tiềm năng, bên cạnh người dân chưa thấy hết sự cần thiết của ô tô trong đời sống thì một phần còn do các bộ, ngành chưa coi trọng đúng mức việc phát triển sản phẩm. Không thể đánh đồng một mức thuế, phí cho mọi loại xe cao cấp và bình dân. Không đâu xa, Việt Nam chỉ cần học tập bên Malaysia: Chính phủ khuyến khích ô tô càng nội địa hóa cao thì càng được giảm thuế, như thế mới mong kích thích DN nội địa hóa, từ đó giảm giá bán xe và thúc đẩy thị trường.

Ông Bùi Ngọc Huyên - Tổng Giám đốc Công ty CP ô tô Xuân Kiên
Theo Tổng Giám đốc hãng Porsche Việt Nam Andréa Klingler, mặc dù Việt Nam đã xác định ô tô là yếu tố chủ đạo trong phát triển CN, với hàng loạt biện pháp khuyến khích đầu tư, song có thể nói, đến nay, kế hoạch không thành công. Hai nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh, là giá ô tô ở Việt Nam vào loại đắt nhất thế giới và cơ sở hạ tầng không tốt. Thuế NK giảm theo cam kết WTO nhưng các loại thuế phí liên quan đang tăng, dẫn đến xe hơi vẫn đắt lên theo từng năm. Theo chuẩn thế giới, diện tích sử dụng cho hệ thống giao thông 15 - 20%, thì tỷ lệ này ở nội thành Hà Nội 6,18% và ngoại thành chỉ 0,9%. Có diện tích, dân số tương đương nhưng Đức có số ô tô cao gấp 62 lần Việt Nam (Việt Nam chỉ có 8 xe/1.000 người). "Trong khi cơ sở hạ tầng được cải thiện rất chậm, chính sách vẫn là đánh thuế, phí cao và duy trì giá xe hơi ở mức cao nên ngày càng ít người có khả năng sở hữu một chiếc xe hơi" - ông Klingler nhấn mạnh. 

Cũng về thuế và phí, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội vận tải ô tô bức xúc: Một chiếc ô tô ở Việt Nam đang phải "cõng" 4 - 5 loại thuế và gần chục phí khác nhau, trong đó, có những loại hết sức vô lý như phí cấp biển số xe mới đây quy định tới 20 triệu đồng. Điều đó khiến giá xe ở ta cao gấp 3,5 - 4 lần các nước trên thế giới, người tiêu dùng phải "chùn tay", trong khi ô tô tại nhiều nước từ lâu không còn là thứ hàng xa xỉ.

Mong thị trường minh bạch, công bằng

Nóng chuyện thuế, phí - Ảnh 2
Khách tham quan tại triển lãm ô tô Việt Nam lần thứ 8. Ảnh: Thanh Hải
 
Người tiêu dùng trong nước chưa dám mua xe tại thời điểm này được nhiều ý kiến lý giải do nhiều nguyên nhân từ chính sách cùng hàng loạt vấn đề hạ tầng giao thông. Làm thế nào có được thị trường ô tô lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người dùng mà vẫn phát triển bền vững hệ thống giao thông? Với quy mô dân số hơn 80 triệu người, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn phát triển thị trường ô tô. Điều mà các nhà sản xuất và phân phối ô tô trong nước mong mỏi nhất chính là một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng, chính sách ổn định để có thể yên tâm theo đuổi kế hoạch lâu dài. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam Michael Behrens chia sẻ: Các loại phí, thuế ô tô ở Việt Nam quá rối rắm, thay đổi liên tục, khiến bản thân ông làm DN ô tô cũng không thể hiểu rõ. "Chúng tôi cần một môi trường kinh doanh minh bạch và có sự tin tưởng lâu dài. Vấn đề phí và thuế phải được quan tâm cải thiện hơn mới mong phát triển ngành CN chủ đạo này" - ông Behrens nói. 

Về phía nhà phân phối, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Liên Á Quốc tế (phân phối chính thức xe Audi tại Việt Nam) cho rằng, thuế, phí có thể đánh cao theo chủ trương điều hành kinh tế nhưng phải ổn định, không thể thay đổi 2 - 3 lần/năm như hiện nay. "Chính sách trước khi ban hành nên có sự tham khảo ý kiến rộng rãi từ chuyên gia, DN, người tiêu dùng mới có hiệu quả thực tế. Chẳng hạn việc tăng thuế trước bạ tại Hà Nội mới đây lên 20%, nhiều người mua xe mang sang các địa bàn khác đăng ký nộp thuế rồi lại về Hà Nội sử dụng, như thế chủ trương giảm phương tiện giao thông ở Thủ đô cũng chưa thực thi được" - ông Trung khẳng định. 

Đại diện người tiêu dùng trong nước, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất: Chính phủ có thể đánh thuế cao những sản phẩm hàng ô tô có giá vài tỷ đồng trở lên, còn loại thông dụng không thể bị "đối xử" giống những hàng xa xỉ. Như thế mới mong kích cầu thị trường, người dân được hưởng quyền lợi công bằng ít nhất như các nước trong khu vực.
 
 
Trong khi CN ô tô chiếm 10% GDP tại nhiều nước, thì tại Việt Nam, sức ép với sản xuất ngày càng tăng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng trong vòng 12 năm tới, dung lượng thị trường ô tô sẽ tăng, đóng góp tới 40% vào GDP của Việt Nam. Để đạt được điều này, DN mong Chính phủ có chính sách tổng thể ổn định cho ô tô trong 5 - 10 năm, có nhiều ưu đãi thu hút đa dạng thành phần kinh tế tham gia vào ngành CN này với sự hiện diện của ngày càng nhiều nhà cung cấp xe hơi tại Việt Nam. - Ông Laurent Charpentier Chủ tịch VAMA