* TP Hà Nội đã kiên quyết xử lý vi phạm nhà 8B Lê Trực
Trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập cá nhân mà Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, trước đây, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện, sau đó lại giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp nhận để nghiên cứu xây dựng đề án. Trên thực tế, đây được coi là vấn đề cấp bách không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Nhưng vì rất nhạy cảm bởi đối tượng liên quan tới đề án chủ yếu là người có chức vụ, chức quyền nên việc hoàn thiện đề án phải rất tỉ mỉ và kỹ càng. Do tham nhũng là một dạng tội phạm ẩn, khó phát hiện cũng như khó xử lý đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho nhiều quốc gia trên thế giới. Tháng 4/2016 sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, qua đó sẽ có những nhận định cụ thể hơn về tính hiệu quả của công tác PCTN trong thời gian qua và dự báo cho thời gian tới. Đây cũng là yếu tố quan trọng để nhận định việc xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập cá nhân sẽ được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ.
Về vấn đề kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, ông Hùng cho hay, thời gian vừa rồi đứng trước yêu cầu đánh giá để sửa đổi Luật PCTN nên chưa thể tiến hành phê duyệt đề án này như một đề án riêng lẻ mà đưa vào Luật PCTN sửa đổi như một chế định. Khi Luật PCTN được đánh giá toàn diện và sửa đổi thì nội dung đề án có thể phải điều chỉnh theo.
Đối với vấn đề đề xuất bỏ án tử hình với tội tham nhũng, theo ông Hùng, việc này có liên quan cả về hợp tác quốc tế. Có những tội phạm trốn ra nước ngoài không chấp nhận dẫn độ nếu các đối tượng đó có thể bị tử hình. Cho nên giảm hình phạt để tăng xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng là một quan điểm phù hợp với xu hướng của quốc tế.
Liên quan đến một số dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BT và BOT, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thực hiện thanh tra 17 DA. Hiện đang thanh tra các dự án do Bộ GTVT, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Quá trình thanh tra còn có sự tham gia của Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT. Đến nay, công tác thanh tra vẫn đang trong giai đoạn thực hiện, chưa kết thúc, do vậy chưa thể cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí được. Còn về việc Thanh tra Chính phủ chưa công bố kết luận thanh tra Tập đoàn Xăng dầu, ông Khánh cho rằng: Do thời gian qua, Thanh tra Chính phủ bận để chuẩn bị những ngày lễ lớn của ngành, bên cạnh đó, kết quả thanh tra còn chờ sự thống nhất nội dung với các bộ, ngành, đặc biệt là chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Tập đoàn Xăng dầu chấn chỉnh công tác điều hành, quản lý, khắc phục, rút kinh nghiệm những bất cập trước đây. Qua đó, Tập đoàn Xăng dầu đã nghiêm túc thực hiện.
Còn đối với nội dung công trình xây dựng nhà 8B Lê Trực, ông Khánh khẳng định: “Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, UBND TP Hà Nội đã thể hiện rõ thái độ kiên quyết xử lý vi phạm đến cùng. Qua đó thể hiện bằng việc, UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra, thanh tra toàn bộ quá trình xây dựng công trình, đồng thời ban hành một số văn bản pháp lý, như ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Do UBND TP Hà Nội đã, đang quyết liệt chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm nên Thanh tra Chính phủ chỉ làm nhiệm vụ theo dõi và đôn đốc thực hiện”.
Nguyễn TRƯờng
Quang cảnh buổi họp báo sáng 29/10. Ảnh: Nguyễn Trường
|