Đúng vào thời điểm thu hoạch rau cải củ nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Díp, thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng lại không mấy vui mừng vì giá rau hiện nay thấp, chỉ 3.000 đồng/kg. Anh Díp cho biết, hồi đầu mùa, giá rau cải củ lên tới 8.000 - 10.000 đồng/kg và thời điểm cùng kỳ năm ngoái là 10.000 - 12.000 đồng/kg. Ngoài 1,1 sào rau cải củ, gia đình anh Díp còn trồng 2 sào bí xanh và 2,5 sào dưa lê. Hiện nay, giá bí xanh bán tại ruộng khoảng 5.000 đồng/kg, chững lại so với đầu mùa và giảm một nửa so với năm ngoái.
Khách hàng chọn mua rau sạch tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải
Tại vùng rau xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, nhiều nông dân cũng ngao ngán vì giá rau lên xuống thất thường. Vừa thu hoạch cà pháo trên ruộng, chị Lê Thị Xuân, thôn Phú An, xã Thanh Đa chia sẻ, giá cà pháo đầu vụ được 10.000 - 12.000 đồng/kg nhưng đến nay chỉ còn 7.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm rớt giá, cà chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg. Theo chị Xuân, tính ra mỗi sào cà pháo hiện chỉ cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2012 (10 triệu đồng/sào).
Ngoài rau cải củ, cà pháo, bí xanh, giá các rau ăn lá khác cũng giảm đáng kể. Cụ thể, giá rau dền, mùng tơi chỉ khoảng 1.000 đồng/mớ, rau cải ngồng 2.000 đồng/kg, rau cải mơ, cải ngọt 3.000 - 4.000 đồng/kg... Ông Hoàng Văn Tùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú An cho biết, toàn xã có 66,5ha trồng rau, trong đó 30ha thuộc dự án rau an toàn của TP. Sản lượng rau của HTX hiện đạt bình quân 6 - 7 tấn/ngày, vào vụ đông lên tới 20 tấn/ngày. Hiện nay, rau an toàn của xã Thanh Đa mới chỉ có 8 cửa hàng phân phối sản phẩm trong nội thành nhận tiêu thụ với sản lượng 300kg/ngày. Còn lại hầu hết người nông dân bán cho các thương lái ngay tại đầu ruộng nên tình trạng tư thương ép giá vẫn xảy ra.
Vẫn “tắc” đầu ra
Theo các hợp tác xã, từ tháng 8, người dân sẽ tiếp tục vào vụ rau mới, diện tích rau sẽ được mở rộng. Sở NN&PTNT Hà Nội dự kiến, trong vụ mùa, diện tích rau, đậu các loại toàn TP đạt 7.600ha, năng suất đạt 205 tạ/ha, sản lượng gần 156.000 tấn. |
Theo các hộ dân trồng rau, với mức giá hiện tại, trồng rau vẫn cho thu lãi nhưng không cao, chỉ đạt 2 - 3 triệu đồng/sào. Riêng một số loại quả như bí xanh, dưa lê cho thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/sào. Trong khi giá bán rau tại ruộng giảm, giá bán rau tại các chợ trong nội thành dù có giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giá người nông dân bán tại ruộng. Cụ thể, giá rau mùng tơi, rau ngót 4.000 đồng/mớ, rau đay 3.000 đồng/mớ, rau muống 3.000 - 4.000 đồng/mớ, dưa chuột 8.000 đồng/kg… Rõ ràng, trong khâu phân phối rau hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
"Mặc dù sản xuất rau theo đúng quy trình an toàn nhưng hiện chúng tôi chưa biết tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm như thế nào" - ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX rau Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức than thở. Ông cho biết, hiện trung bình mỗi ngày, HTX Tiền Lệ sản xuất ra trên 20 tấn rau, trong đó chỉ có rau cải củ tiêu thụ tốt, còn lại các rau ăn lá khác như cải mơ, cải ngọt, mùng tơi, rau dền… tiêu thụ đều giảm. Hơn nữa, theo ông Hào, thời tiết nắng nóng, thỉnh thoảng lại xen lẫn những trận mưa lớn khiến cho sản xuất rau gặp nhiều khó khăn, mẫu mã rau xấu, các loại rau ăn quả (cà pháo, cà ghém, bí) dễ bị thối quả.
Để đảm bảo mức giá tiêu thụ rau ổn định trong thời gian tới, theo ông Hoàng Văn Tùng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, cần điều chỉnh cơ cấu rau trong mỗi vùng hợp lý, tránh trồng quá nhiều cùng một loại rau dẫn tới bị tư thương ép giá khi sản lượng lớn. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định, đảm bảo để người trồng rau có lãi, tạo động lực để thúc đẩy sản xuất.