Kinhtedothi - Chương trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của TP Hồ Chí Minh được triển khai hơn 10 năm nay, tuy nhiên, hiện nay nông dân trồng rau ngày càng không mặn mà với mô hình sản xuất này...
Nông dân TP Hồ Chí Minh không mặn mà sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên toàn địa bàn Thành phố đã chứng nhận cho 721 tổ chức, cá nhân sản xuất rau, quả trên địa bàn, gồm xã viên của 7 HTX và tổ hợp tác như HTX Ngã Ba Giòng, HTX Phú Lộc, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, HTX Nhuận Đức, HTX Nông nghiệp xanh, 10 công ty và các nông dân. Tổng diện tích trồng rau VietGAP là 448ha, tương đương 2.111ha diện tích gieo trồng, sản lượng ước đạt 47.082 tấn/năm. Thực hiện đề án phát triển rau an toàn tại các xã nông thôn mới, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng số mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đã triển khai là 178 mô hình, diện tích 741,3ha với 2.106 hộ tham gia gồm các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cánh đồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đề án sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, mỗi hec-ta trồng rau VietGAP trong một năm tiết kiệm được 30 triệu đồng chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và giống. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm ổn định do được các HTX bao tiêu thu mua và cung ứng cho các siêu thị, chuỗi của hàng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP hiện không được người nông dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mặn mà, hay nói cách khác họ đã từng mặn mà nhưng qua một thời gian thực hiện người trồng rau đã quay lại với việc sản xuất thông thường. Theo danh sách các hộ nông dân trồng rau sạch theo tiêu chẩn VietGAP mà Sở NN&PTNT cung cấp, chúng tôi về xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) gặp anh Nguyễn Thanh Tùng là hộ trồng rau có tiếng trong xã An Nhơn Tây. Vườn rau của anh Tùng có diện tích hơn 0,5ha, trồng nhiều loại như: Bí, bầu, mướp đắng, dưa chuột, mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần 3 tạ. Tất cả diện tích trồng rau của hộ nông dân này hiện không theo tiêu chuẩn VietGAP mà theo phương pháp thông thường. Anh Tùng chia sẻ, trước đây anh được chính quyền địa phương và cán bộ nông nghiệp của huyện Củ Chi vận động trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bản thân anh qua tìm hiểu, thấy sản xuất rau VietGAP mang lại rất nhiều lợi ích cho chính người trồng rau và người tiêu dùng. Do đó, anh đã tham gia các lớp đào tạo hướng dẫn trồng rau VietGAP và áp dụng vào sản xuất thấy hiệu quả rất tốt. Nhưng sản phẩm sản xuất không chủ động được đầu ra, phải bán cho tiểu thương hoặc mang xuống chợ đầu mối bán nên giá cả rất bấp bênh... “Mô hình trồng rau VietGAP làm tốt, cán bộ về thăm, quay phim chụp hình xong rồi bỏ để nông dân tự lo. Bởi vậy, chúng tôi sản xuất rau bình thường, ra chợ đầu mối dù rau, quả đẹp hay xấu đều bán được. Ký hợp đồng bán rau sạch cho mấy công ty thu mua nhập cho siêu thị họ chỉ lấy loại đẹp, những quả cong queo thì chúng tôi không biết bán cho ai”, anh Tùng cho biết thêm. Cũng như anh Tùng, anh Trần Ngọc Xinh, hộ trồng rau tại ấp Đình, xã Tân Phú Trung (Củ Chi) cho biết: Cả khu đồng này không còn nhà ai trồng rau VietGAP, nhà anh và các hộ quanh đây đều trồng rau bình thường. “Thấy sâu nhiều thì xịt thuốc, quan trọng là mình có cách ly đúng thời gian sau khi phun thuốc với thu hái hay không. Trồng rau VietGAP chi phí đầu tư cao, tốn nhiều thời gian chăm sóc, sản phẩm mình làm ra không chủ động bán theo số lượng được, phụ thuộc vào hợp tác xã thu mua và giá rau VietGAP cũng bằng rau thường”, anh Xinh nói. Từ thực tế trên cho thấy, người nông dân không mặn mà trồng rau VietGAP do thị trường tiêu thụ không rõ ràng, giá thu mua không khác biệt nên chưa tạo động lực cho người sản xuất. Ngoài ra, do chưa thể kiểm tra, giám sát được sản phẩm rau lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các cơ sở chế biến cũng đẩy người nông dân không muốn trồng rau VietGAP.