Cần gói tín dụng đúng nghĩa
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngân hàng đã có gói hỗ trợ cho nông nghiệp 50.000 tỷ đồng, triển khai từ 1/11 đến nay. Đối tượng là cá thể, hộ gia đình, HTX hay DN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tiêu chí là làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, lãi suất ưu đãi từ 0 - 1,5%.
Thực tế đang có nhiều ngân hàng lớn dần chuyển hướng rót vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Như Vietcombank, tỷ trọng cho vay nông nghiệp thường chiếm khoảng 9 - 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tăng trưởng nhanh về quy mô qua các năm, đưa tỷ lệ dư nợ tín dụng nông nghiệp trong tổng dư nợ tại BIDV từ 5,82% năm 2010 lên 15,75% tại 30/9/2016. Tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank vẫn chiếm hơn 73%... Tuy nhiên, đây chỉ là gói tín dụng được triển khai lẻ tẻ ở một số ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước lớn, lãi suất cho vay cũng chưa ưu đãi đáng kể. Một gói tín dụng đúng với nghĩa gói hỗ trợ là điều các DN quan tâm hơn bao giờ hết.
Theo ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco: “Nhà ở xã hội có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ. Vậy nên gói tín dụng cho nông nghiệp phải lớn hơn nhiều lần vì 70% người dân Việt Nam làm nông nghiệp”. Vì thế, ông Tiền đề nghị Chính phủ triển khai gói cho vay nông nghiệp ở quy mô rộng.
Tại Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý triển khai gói tín dụng nông nghiệp với quy mô 50.000 - 60.000 tỷ đồng, với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, cùng với đó là nhiều NHTM được phép tham gia cho vay gói hỗ trợ để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. NHNN sẽ nghiên cứu và xây dựng chi tiết, công bố chương trình này.
Gỡ khó về cơ chế
Khó khăn lớn nhất với các DN trong tiếp cận tín dụng nông nghiệp là không có tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, chỉ khi có đất (tức là có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) DN mới có thể vay vốn, còn các tài sản trên đất không được chấp nhận là tài sản đảm bảo. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp cần tư liệu đất đai lớn, DN không có nguồn lực để gom một lượng đất lớn như vậy, đồng thời theo các quy định hiện hành cũng không cho phép tích tụ đất đai.
Trên thực tế, tín dụng nông nghiệp nếu có tiềm năng và dư địa, các ngân hàng sẽ không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này. Tập đoàn Trường Sinh Gia Lai và Techcombank mới đây đã ký hợp đồng ghi nhớ Techcombank là ngân hàng chiến lược hỗ trợ tài chính cho Trường Sinh Group trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Nhưng làm thế nào để ngân hàng có thể đi đường dài với các DN đầu tư vào nông nghiệp, bởi bên cạnh rủi ro thị trường, rủi ro thiên tai luôn thường trực, đe dọa an toàn của các khoản vay này. Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng Giám đốc Techcombank, một trong những chương trình chuyển đổi của Techcombank đang được triển khai, để phục vụ tốt hơn những DN nhỏ và vừa. Ngân hàng sẽ tuyển dụng những người có chuyên môn trong ngành nghề của khách hàng. Ví dụ, ở Lâm Đồng hay ở Tây Nguyên, ngân hàng sẽ có những người có chuyên môn về hạt điều, cà phê, cao su để giúp khách hàng, tư vấn cho họ về những ngành đó, đem đến cho họ những hiểu biết về thương mại, những biến động trên thị trường... "Và để đảm bảo cho sự thành công của khách hàng thì cần phải có những công cụ gì, ngân hàng chúng tôi sẽ giúp cho họ có công cụ đó" - ông Anh nói. Còn LienVietPostBank cũng cho biết sẽ triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng đầu tư vào sản xuất cây trồng nông, công nghiệp công nghệ cao.
Thực sự đây là một chương trình đầy tham vọng vì không dễ để ngân hàng tìm được những người chuyên môn, xây được hệ thống để giúp cho khách hàng hiểu rõ về ngành nghề của họ để họ có khả năng cạnh tranh. Đặc biệt hiện nay, cạnh tranh còn đòi hỏi phải vươn ra khu vực, quốc tế.