Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần thiết "tìm cơ trong nguy"

Bình An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ hiện hữu từ sự cực đoan của biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm, sự cạnh tranh khốc liệt của hội nhập. Việc “tìm cơ trong nguy” là vấn đề cấp thiết được đặt ra cho nền nông nghiệp của vùng hiện nay.

Thay đổi để thích ứng

ĐBSCL có 13 tỉnh - thành phố, với hơn 17 triệu dân, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu gạo và gần 60% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. ĐBSCL đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đỉnh điểm là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất đầu năm 2016 đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Từ đó, một vùng đồng bằng trù phú với nhiều sản vật dưới nước, trên cạn bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, những vấn đề về môi trường cũng khiến ĐBSCL đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí nhiều cảnh báo về sự tan rã của ĐBSCL đã được các chuyên gia đề cập.
 Nông nghiệp Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển
Vấn đề này được chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra mổ xẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2016, một diễn đàn lớn nhất khu vực ĐBSCL với chủ đề “Tìm cơ trong nguy - Đối mặt biến đổi khí hậu, Vấn nạn môi trường và Thách thức hội nhập” diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 26/10.
Theo TS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RIMIT (Australia), nông nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng âm do hạn hán, xâm nhập mặn. Điểm đáng chú ý là xuất khẩu rau quả từ đầu năm 2016 đến nay lại "vượt mặt" xuất khẩu gạo, xuất khẩu nông lâm thủy sản có dấu hiệu chững lại trong 2 năm trở lại đây với kim ngạch khoảng 30 - 31 tỷ USD.
Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào thời kỳ của Biến đổi khí hậu, tương lai của nông sản vẫn là dấu hỏi lớn khi theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá trong thời gian tới, TS Nguyễn Quốc Vọng cho biết thêm.
Theo PGS - TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cảnh báo: “Mô hình thủy văn cho vùng ĐBSCL cho thấy xu thế lũ thời gian tới sẽ khác đi so với hiện nay khi lượng nước của sông Mekong mỗi năm đổ về vùng ĐBSCL ngày càng giảm”.
Theo đó, diện tích vùng ĐBSCL bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía Bạc Liêu - Cà Mau, nhưng số ngày chịu ngập ở các tỉnh đầu nguồn sẽ giảm. Tình hình nhiệt độ gia tăng, mưa giảm, diện tích lũ mở rộng và mực nước biển dâng cao sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp cũng như tạo ra các khó khăn do sự phát triển nông nghiệp của cả vùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ nạn xâm nhập mặn năm 2016 cho biết: “Biến cố xâm nhập mặn vừa qua chính là cơ hội để ĐBSCL nhìn lại để thay đổi, thích ứng, chẳng hạn như đặt vấn đề lại quy hoạch tổng thể cho phát triển nông nghiệp của cả vùng”.
Đồng quan điểm, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: “Trong khó khăn của nền kinh tế nông nghiệp như ở vùng ĐBSCL, chúng ta không phải là không có lối thoát, không có hành động, trong đó việc thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với vùng ĐBSCL”.
Linh hoạt thay đổi để thích nghi
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người dành nhiều tâm huyết cho nền kinh tế nông nghiệp cho rằng: “Nếu nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng không thích ứng trước hội nhập thì nguy cơ sẽ tụt hậu với các quốc gia lân cận là điều khó tránh khỏi”.
Từ đó, bà Phạm Chi Lan gợi ý trong sản xuất nông nghiệp cần hướng đến tích tụ đất đai, xuất hiện trang trại trung bình và lớn, cơ giới hóa, thay đổi lớn trong cách thức sử dụng đất theo hướng linh hoạt, nông dân chủ động, cần có quy mô sản xuất lớn hơn trong chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Thay đổi cơ cấu GDP nông nghiệp (chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp), tỷ trọng kinh doanh nông nghiệp gấp đôi tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động giảm xuống mức 25 - 30%; thay đổi lớn trong cơ cấu dịch vụ nông nghiệp là tất yếu nhằm hướng tới một vùng ĐBSCL giàu có và phát triển bền vững.
TS Philippe Zerillo (Đại học SMU- Singapore) cho biết: “Nói đến tác động lớn của biến đổi khí hậu, nó sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, từ đó làm cho chuỗi cung ứng nông nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh bị tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, đứng trước bối cảnh “tìm cơ trong trong nguy”, Việt Nam rất cần hệ sinh thái mới, trước hết là sự liên kết giữa 3 thành tố là nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học”.
Tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp tại ĐBSCL sẽ tăng lên từng năm, bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu, từ đó đòi hỏi năng lực ứng phó cũng như thích nghi với hoàn cảnh mới đòi hỏi nhiều nguồn lực khác nhau. Trong đó, sự thay đổi linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.