Đó là kết quả đánh giá tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tổ chức ngày 25/12.
Khó khăn chồng chất
Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Nghị quyết T.Ư 7 (Khóa X) được coi là quyết sách hàng đầu thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiêp, nông dân, nông thôn. Triển khai Nghị quyết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch, đề án... thu hút sự tham gia đông đảo của toàn hệ thống chính trị. Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, cả nước đã đạt được nhiều kết quả rất nổi bật. Cụ thể, trong giai đoạn 2009 - 2013, GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD.
Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng cả nước, góp phần thay đổi diện mạo, cải thiện điều kiện sống của dân cư nhiều vùng nông thôn. Đến nay, cả nước đã có 93,1% số xã hoàn thành quy hoạch, 79,2% số xã lập đề án xây dựng NTM. Trong 3 năm qua, chương trình xây dựng NTM đã huy động được hơn 105.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, gấp 2,18 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.
Mặc dù vậy, đánh giá một cách khách quan và toàn diện, quá trình triển khai Nghị quyết T.Ư 7 tại nhiều địa phương vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Đó là chưa ngăn được suy giảm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp. Tăng trưởng GDP của ngành 5 năm qua thấp hơn giai đoạn 2004 - 2008 là 0,98%. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, giá trị thương mại, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp, ATTP vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến, dịch vụ, thị trường còn thiếu chặt chẽ, dẫn tới điệp khúc "được mùa mất giá" luôn là nỗi lo của nhà nông.
Không những thế, nhiều vấn đề bức xúc ở nông thôn chậm được giải quyết. Đáng chú ý, trong hai năm 2012 - 2013, cả nước có 42.785 hộ bỏ ruộng, không canh tác trên diện tích hơn 6.880ha; 3.407 hộ trả ruộng với diện tích 433ha. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định thêm, phong trào xây dựng NTM thực hiện còn chậm, nguồn lực thiếu và chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước. Nhiều tiêu chí đạt được rất thấp như tiêu chí giao thông (8,9% số xã đạt), cơ sở vật chất văn hóa (mới có 6,7% số xã đạt)...
Tránh “bỏ rơi” nông nghiệp
Không chỉ còn nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã chỉ ra 16 hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó nổi bật lên là việc huy động các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn giảm cả về tỷ trọng và giá trị thực, hiện mức đầu tư chỉ đáp ứng được 65 - 75% so với yêu cầu. Trong khi đó, đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này còn thấp.
Tại hội nghị sơ kết, dại diện nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hà Tĩnh... đã phải ánh khá nhiều "rào cản" cho phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Đó là tình trạng nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong khi thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhiều nơi cũng chưa sát với nhu cầu thực tế...
Là Thủ đô với 401 xã đang triển khai xây dựng NTM, Hà Nội là địa phương được cả T.Ư và các tỉnh, TP khác kỳ vọng vào một hình mẫu trong quá trình triển khai Nghị quyết T.Ư 7. Thực tế, trong 5 năm qua, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô đã có nhiều khởi sắc rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngoại thành ngày càng đổi mới, khang trang. Đến hết năm 2013, toàn TP dự kiến có 53 xã hoàn thành xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của TP chỉ còn 3,8%, thu nhập bình quân đạt 23,7 triệu đồng/người/năm. Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nêu kinh nghiệm, ngoài các chương trình, kế hoạch cụ thể, TP Hà Nội tập trung cho công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, các chương trình phát triển sản xuất hàng hóa và nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho nông nghiệp, nông thôn. Trong 5 năm qua, TP đã đầu tư trên 50.000 tỷ đồng cho khu vực ngoại thành. Phó Chủ tịch cũng đề nghị, Chính phủ cần phải chỉ đạo có những quy hoạch phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM theo vùng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, muốn CNH - HĐH, việc đầu tiên là đi lên từ nông nghiệp. Do đó, phải xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các địa phương tránh tình trạng chỉ chú trọng phát triển công nghiệp, xem nhẹ đầu tư cho nông nghiệp, tuyệt đối tránh tư tưởng "bỏ rơi" sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cả nước cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nâng cao đời sống cho nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, phải nhấn mạnh vai trò làm chủ của người nông dân trong xây dựng NTM.
Bộ mặt nông thôn ở xã Cổ Đô, huyện Ba Vì đang ngày một đổi thay. Ảnh: Quang Thiện
|
Theo mục tiêu của Nghị quyết T.Ư 7 (Khóa X) đặt ra đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt 3,5 - 4%/năm; lao động trong nông nghiệp còn khoảng 30%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn NTM đạt khoảng 50%... |