Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm, là trụ đỡ của nền kinh tế

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng GDP 3,83%, cao nhất trong nhiều năm, qua đó tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế.

Chiều 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự, chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành, hội, hiệp hội, doanh nghiệp...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ NN&PTNT.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ NN&PTNT.

GDP toàn ngành cao nhất trong nhiều năm

Theo Bộ NN&PTNT, ngay từ đầu năm 2023, toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Nhờ đó, ngành tiếp tục duy trì đà phát triển toàn diện.

Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2023 duy trì ở mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay, đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,83% so với năm 2022.
Ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,83% so với năm 2022.

Bộ NN&PTNT đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành. Trọng tâm là Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại...

Cũng theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 3 - 3,5%

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; Quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ: Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cùng bà con nông dân. 

 

Năm 2023, Bộ NN&PTNT được giao 9.852 tỷ đồng. Bộ đã thực hiện điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao; tổ chức nhiều cuộc họp giao ban trực tuyến, các đoàn kiểm tra để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản... Kết quả giải ngân đạt trên 94,6%.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD. Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 80% tổng số xã… Để đạt được những mục tiêu trên, toàn ngành chủ trương tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Bộ NN&PTNT sẽ chú trọng đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Trong năm 2024, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản góp phần sớm gỡ Thẻ vàng đối với khai thác thủy sản. Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.