Nông sản ngoại “đội lốt” hàng Việt: Lỗi tại ai?

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều nông sản nhập khẩu nhưng được người bán quảng cáo là hàng Việt, gây ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm Việt và niềm tin người tiêu dùng.

Để xảy ra tình trạng nhập nhèm này có lỗi từ công tác quản lý, đòi hỏi Nhà nước phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bày bán công khai
Cách đây không lâu, người tiêu dùng bàng hoàng khi lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện nho Trung Quốc mạo danh nho Ninh Thuận bày bán công khai khắp nơi. Vụ việc còn chưa lắng xuống thì thời gian gần đây, lại rộ lên việc tiểu thương bày bán cải thảo, hành tây, cà rốt... được bao bọc trong túi nilon in chữ Trung Quốc nhưng giới thiệu là nông sản Việt.
Quan sát tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy, mặc dù mới đầu tháng 4 nhưng cải mầm đá đã bày bán khá nhiều với giá rẻ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg và được quảng bá là “hàng chính gốc Sa Pa”.
 Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại chợ Hôm. Ảnh: Phạm Hùng
Theo một chủ sạp kinh doanh rau quả tại chợ đầu mối phía Nam, cải mầm đá giá rẻ bày bán tại Hà Nội chủ yếu là hàng Côn Minh, Trung Quốc chứ không phải Sa Pa. Có như vậy là bởi diện tích trồng cải mầm đá tại Bắc Hà và Sa Pa chỉ khoảng 10ha và đã sắp hết mùa thu hoạch nên giá bán tại đây dao động từ 45.000 - 70.000 đồng/kg, không có giá rẻ như các tiểu thương quảng cáo.
Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội), anh Nguyễn Phương Bắc, một chủ đại lý cung cấp hoa quả cho biết, hoa quả Trung Quốc tại chợ chiếm đa số nhưng thường được chủ hàng quảng cáo là hàng nhập khẩu Âu, Mỹ hoặc hoa quả Việt Nam. Đồng tình với ý kiến này, chị Phan Thị Luận, kinh doanh rau quả tại chợ Châu Long (Hà Nội) bật mí: Hầu hết rau, quả trái mùa được bày bán ở các chợ là hàng Trung Quốc, nhưng để chiều tâm lý người mua, người bán hàng thường nói là hàng Việt.
Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, thời gian qua xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại với nông sản Việt Nam như Nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm và cải mầm đá Sa Pa... Để tăng sức mua, người bán thường trà trộn với nông sản hàng Việt hoặc dán nhãn mác hàng Việt, đánh lừa người tiêu dùng.
Thiếu quy định nhận diện hàng Việt
Nói về nguyên nhân nông sản ngoại "đội lốt" hàng Việt để tiêu thụ, các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến: Các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa hiện hành không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng; quy định pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để.
Hơn nữa, pháp luật nước ta chưa có quy định về việc sản phẩm như thế nào được coi là sản phẩm trong nước khi lưu thông trong lãnh thổ. Theo chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú, ngay cả khi lực lượng chức năng nghi ngờ là nông sản nhập khẩu "đội lốt" hàng Việt cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định sản phẩm đó không phải là sản phẩm của Việt Nam.
Nhằm khắc phục những bất cập trong việc quản lý nông sản nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng hàng ngoại “đội lốt” hàng Việt, vừa qua Bộ Công Thương đã có văn bản số 9170/BCT-XNK gửi Văn phòng Chính phủ về tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại Việt Nam. Trong đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ
. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước, nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ.

"Pháp luật hiện quy định chi tiết cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam áp dụng cho hàng xuất khẩu, chứ không phải hàng hoá lưu thông ở Việt Nam. Do vậy, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định sản phẩm như nào là hàng Việt. Chẳng hạn, không có quy định nào đề cập giống xoài Thái nhưng trồng tại Việt Nam thì quả xoài sau thu hoạch sẽ gọi là xoài Thái hay xoài Việt.

Ngoài ra, để kiểm soát truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả, cơ quan chức năng phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thương mại biên giới như hải quan, biên phòng… tiếp đến là lực lượng quản lý thị trường trong nước. Làm được như vậy mới kiểm soát được việc ghi nhãn mác hàng hóa." - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần