Thảo luận tại hội nghị, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, TPP tạo cơ hội cho nông sản Việt xuất sang nhiều nước nhưng nông sản nước khác cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Đơn cử như gạo của Thái Lan; chuối của Philippines; dừa và cà phê của Indonesia; hạt giống của Nhật Bản; thịt bò, sữa của Australia và New Zealand; thịt gia cầm, thịt heo, quả ôn đới của Mỹ…đều có chất lượng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại ở trong nước sẽ tràn vào thị trường Việt Nam.
Do đó, hàng nội không những phải với nhau mà còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại. Trong khi, nông nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ giảm thuế nhập khẩu AEC do thuế đã thấp mà còn phải chịu một số tác động đan chéo với TPP. Vì vậy, ngành nông nghiệp của chúng ta có thể gặp bất lợi khi sản phẩm của các nước TPP cạnh tranh sòng phẳng tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
|
Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhận định: “Hiệp định TPP mở cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi. Một cơ hội khác lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải chịu sức ép cạnh tranh cao hơn với hàng nhập khẩu trên thị trường trong nước. Tuy cắt giảm thuế nhưng nhiều hàng rào phi thuế quan có xu hướng tăng cao. Các quy định khác của TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y), lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường… cũng đặt ra những quy tắc rất chặt chẽ. Đặc biệt, đối với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại nhiều ở những mức độ khác nhau”.
Để vượt qua thách thức này, theo ông TS Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Các doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên TPP, AEC cũng như chống hàng nhập khẩu kém chất lượng của cả trong và ngoài khối.
Bên cạnh đó, với nhóm nông sản có lợi thế, cần thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại đi kèm với hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu. Còn với nhóm nông sản cạnh tranh kém, cần rà soát lại các ngành hàng dễ bị tổn thương, đồng thời xây dựng chính sách giảm thiểu thiệt hại khi phải cạnh tranh, khi cần thiết cần có định hướng chuyển đổi hợp lý.
Cùng với đó, các giải pháp trung hạn và dài hạn cũng được đưa ra như đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; hoàn thiện môi trường chính sách, nâng cao khả năng vận dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) trong các FTA, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả các rào cản SPS và rào cản kỹ thuật trong thương mại.