Thống kê ngày 29/5 của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 5 tháng qua ước đạt gần 27,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5%. Tính chung 5 tháng, nông sản xuất siêu 3,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh một số mặt hàng giảm xuất khẩu như: Cao su, chè, hồ tiêu, quả, cá tra, tôm; vẫn có một số mặt hàng xuất khẩu tăng như cà phê, gạo, rau, sắn quế, mây tre... Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 1,36 tỷ USD (tăng 2,2%); gạo đạt 1,4 tỷ USD (tăng 18,9%); rau đạt 310 triệu USD (tăng 17,5%); quế đạt 66 triệu USD (tăng 16,6%); mây, tre, cói thảm đạt 197 triệu USD (tăng 4,7%).
Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,8% thị phần; tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ và chiếm 22% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,1% và chiếm 10,5% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 3,5%, chiếm gần 9,0% thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 5,5% và chiếm 10,38% thị phần.
Về nhập khẩu, tính chung 5 tháng, kim ngạch các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 11,1%.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng (lần lượt là +10,9%, +25,5% và +10,6%), các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, phân bón giảm 10,8% (phân URE giảm 81,1%, NPK giảm 13,4%), thuốc trừ sâu giảm 29,0%, thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 14,2%, ngô giảm 28,1%, hạt điều giảm 25,0%, rau quả giảm 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 8,8%, thủy sản giảm 5,3%.