>>>Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm
>>>Nhiều yếu kém trong quản lý tồn kho, hàng giả, xăng dầu
Khó gỡ “cục máu đông” bất động sản
Thị trường BĐS “đóng băng” và trách nhiệm của Bộ Xây dựng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các vị ĐBQH. Cho rằng, “những quả đấm thép” là các tổng công ty lớn cũng điêu đứng khi lao vào BĐS, tham nhũng, khiếu kiện cũng nảy sinh từ đây, ĐB Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) chất vấn: Thị trường BĐS đang ở ngưỡng nguy hiểm, vậy Bộ có kịch bản gì để sự đổ vỡ không xảy ra? Nếu xảy ra sẽ có phương án đối phó thế nào?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Thừa nhận tồn kho của thị trường BĐS là vấn đề lớn và ở nhiều dạng khác nhau, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân là do dự án phát triển tự phát, do cung vượt quá cầu, cơ cấu bất hợp lý, thừa căn hộ cao cấp, thiếu dự án phục vụ người thu nhập thấp, vốn cho BĐS bị thắt chặt... Bộ đã được Chính phủ giao rà soát, phân loại từng dự án để có hướng giải quyết cụ thể như ngừng, hay chuyển sang dạng nhà ở xã hội. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật quản lý BĐS, tránh phát triển tự phát.
Không hài lòng về câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) thẳng thắn: “Những giải pháp đó khó khả thi. Bởi căn hộ tồn đọng lớn, được ví như cục máu đông gây lên nợ xấu, nhưng phần lớn là sản phẩm cao cấp, nếu chuyển sang nhà xã hội, ai bù vào khoản tiền chênh lệch giá. Chưa kể đến việc phải điều chỉnh thiết kế, quy hoạch cho phù hợp, Bộ đã tính đến tình huống này chưa?”. ĐB yêu cầu Bộ trưởng đưa ra con số cụ thể BĐS tồn đọng và nhận định “đây là thực trạng đã tồn tại lâu, tại sao bây giờ Bộ mới rà soát. Trong vài năm tới, Bộ có chắc chắn giải quyết được sự tồn đọng này”.
ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng).
Thừa nhận các số liệu chưa có tiêu chí thống nhất nên đánh giá khác nhau, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, qua thống kê ban đầu của 44 sở Xây dựng, Bộ mới có con số căn hộ, mặt sàn chưa bán được như: 16.496 căn hộ chung cư, 5.176 nhà thấp tầng, 1.620 nghìn m2 đất nền… ước là 40.750 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, do thị trường BĐS còn non trẻ, kinh nghiệm quản lý nhà nước và kinh doanh đều hạn chế. Để tháo gỡ tổng thể, cần cả các bộ và chính quyền địa phương cùng quyết liệt và cả quyết tâm của doanh nghiệp. Nhưng cũng chưa thể khẳng định là tháo gỡ tuyệt đối khó khăn, do đó cần từng bước và thị trưởng sẽ ấm lên cùng sự hồi phục của nền kinh tế.
Cũng liên quan đến BĐS, nhiều ĐB đặt câu hỏi về việc thu hồi nhà đầu tư vào dự án nhà xã hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bộ đang phối hợp với các tỉnh thành có nhiều nhu cầu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… chủ trì soạn thảo những nghị định, chương trình Quốc gia về nhà ở. Trong đó nhà nước phải có chính sách như hỗ trợ về tiền sử dụng đất, thuế và có giám sát về tiêu chuẩn, giá thuê.
Chỉ số ít công trình không đạt chất lượng
Băn khăn trước chất lượng các công trình xây dựng có vấn đề do bị rút ruột, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: Nhiều công trình chất lượng kém nhưng chỉ khi sự cố xảy ra mới phát hiện được vấn đề. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách người được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này như thế nào?
Thừa nhận lãng phí, thất thoát là vấn đề chung, Bộ trưởng diễn giải nguyên nhân là do thể chế như Luật Đất đai đang hoàn thiện, một loạt các luật khác cũng được xây dựng. Công tác kiểm soát chất lượng trong Luật Xây dựng giao cho các chủ đầu tư, nhưng vấn đề quản lý bảo đảm hiệu quả còn khó khăn. Bên cạnh đó, quy hoạch có chất lượng còn thấp, chậm, chưa kịp thời, đó là yếu tố gây lãng phí. Rồi nghiệm thu, kiểm soát chưa đạt hiệu quả; năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ còn thấp… Chủ đầu tư càng nhỏ, chất lượng càng thấp, nhưng rất khó quản lý do giao toàn quyền cho chủ đầu tư. Đây là lỗ hổng cần khắc phục.
Bộ xây dựng cũng đưa rất nhiều giải pháp như tăng cường kiểm soát năng lực nhà thầu, cần có cơ chế để người dân tham gia giám sát… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng phải khẳng định cụ thể về chất lượng xây dựng Việt Nam hiện tốt, xấu hay trung bình. Theo Bộ trưởng, cả nước có 54.000 công trình đang đầu tư xây dựng và nói về chất lượng cơ bản là kiểm soát được. Cầu Cần Thơ, Sông Tranh… chỉ là hy hữu.
Nhưng những biện minh này dường như vẫn không làm thỏa lòng các ĐB, các ĐB Lê Thị Nga, Đặng Thành Tâm… đã tiếp tục chất vấn và yêu cầu Bộ phải có trách nhiệm, đặc biệt ngăn tình trạng bắt tay giữa chủ đầu tư và nhà thầu. “Ví như tháp truyền hình Nam Định, nếu không có bão, làm sao phát hiện công trình kém chất lượng”, ĐB Tâm thẳng thắn.
Hầu hết các khu đô thị mới chưa đồng bộ
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) về phát triển các khu đô thị nhiều, nhưng không đồng bộ về hạ tầng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận tình trạng này đang diễn ra ở hầu hết các khu đô thị mới và Bộ đang tập trung hoàn thiện dự án phát triển đô thị và dự thảo Nghị định quản lý đô thị mới trong đó nêu rõ phát triển khu đô thị phải theo quy hoạch và có ban quản lý phát triển đô thị để khớp nối với công trình hạ tầng.
Sáng 13/11, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ tiếp tục diễn ra trước hết với câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về việc Bộ cần đưa ra câu trả lời dứt khoát về đập thủy điện Sông Tranh 2 và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu đập vỡ và câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về trách nhiệm của Bộ để xảy ra khủng hoảng thị trưởng BĐS.
Thất thoát hay vi phạm nguyên tắc Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình), ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về thất thoát tài sản tại Tập đoàn Sông Đà lên đến 10.676 tỷ đồng và trách nhiệm của Bộ trong việc xử lý tập thể, cá nhân theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải trình: Số tiền này là vi phạm nguyên tắc chứ không phải thất thoát. Cho nên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã yêu cầu Tập đoàn Sông Đà nộp ngân sách 30 tỷ đồng và giao cho Ban cán sự Đảng kiểm điểm, xem xét những vi phạm của tập thể, cá nhân, nếu đến mức kỷ luật sẽ kỷ luật. Tham gia giải trình về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, tháng 9/2012, Thanh tra Chính phủ đã có tổ kiểm tra kết luận thanh tra. Trong số, 10676 tỷ đồng nêu trên có 10501 tỷ đồng là vốn tài sản, gồm nhiều khoản mục cụ thể, trong đó có đầu tư ngoài ngành. Hiện thanh tra cũng đã thành lập tổ kiểm tra, tập đoàn đã có phương án khắc phục sai phạm 5.000 tỷ đồng và đang chờ ý kiến của các Bộ với 5.000 đồng tỷ nữa. Nhưng đến nay, việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân chưa được tiến hành. Riêng với câu hỏi, trong ngành xây dựng có bao nhiêu tập đoàn thất thoát do đầu tư ngoài ngành và trách nhiệm của Bộ. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng hứa sẽ trả lời vào phiên chất vấn sáng nay. Hiền Vũ |