NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ: "Tôi là một con người sống may mắn, cả đời theo nghề và nghề này đã cho tôi một cuộc sống vinh quang, mang lại cho tôi những niềm tin, những nhân cách của một con người nghệ sĩ. Từ lúc tôi còn nhỏ tôi đã được vào gặp Bác Hồ, được vào ăn cơm, ăn Tết với Bác. Những ngày đó với tôi là những kỷ niệm, những niềm vinh quang của một người làm nghệ thuật. Những lúc tôi nghĩ gì sai, tôi lại nghĩ đến Bác, đến những lời dạy của Bác".
Có lẽ trong lịch sử ngành múa Việt Nam chẳng có ai theo nghề và bền với nghề múa - cái nghề vốn khắc nghiệt với nghệ sĩ về tuổi tác hơn bất cứ một môn nghệ thuật nào - như Chu Thuý Quỳnh. Cũng bởi cái duyên từ nghề mà Thúy Quỳnh được đến, được trải nghiệm với nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới.
Đi càng xa, biết càng nhiều bà lại càng thấy múa Việt Nam đặc biệt. Chẳng vui nhộn, hài hước như những điệu múa Nga. cũng chẳng mộng mơ, uyển chuyển như múa Ấn Độ, mà lại hấp dẫn người ta đến lạ thường. Chẳng thế mà từ câu chuyện về anh pháo thủ, hải quân và cô dân quân - ba lực lượng đã mưu trí cùng nhau bắn rơi máy bay địch, Chu Thuý Quỳnh và nghệ sĩ Mạnh Hùng sáng tác điệu múa “Gặp gỡ bên mâm pháo” và biểu diễn ngay ở chiến trường. Điệu múa là hình tượng bất tử về sự kiên cường, dũng cảm và mưu trí của quân, dân ta trong cuộc trường chinh chống Mỹ.
Giáo sư Lê Ngọc Canh, người đồng nghiệp cùng vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh lần này chia sẻ: "Tôi biết NSND Chu Thúy Quỳnh từ bé, từ khi bắt đầu vào nghề năm 1954. Bà cống hiến cho ngành múa từ diễn viên, trở thành người biên đạo, lãnh đạo nhà hát, quản lý nhà hát, quản lý hội, cả chiều dày đó có thành tích rất lớn trong hoạt động nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp gắn với hội Múa".
NSND Chu Thúy Quỳnh thời trẻ. |
Bằng tình yêu nghề và sự khát khao được cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật múa, ở tuổi 40, 50 khán giả vẫn thấy bà thướt tha dưới ánh đèn sân khấu. Không chỉ là một diễn viên múa xuất sắc, Chu Thúy Quỳnh còn là nhà biên đạo tài ba, các điệu múa “Mùa xuân trên bản H’Mông”, “Hầu văn Xá Thượng Ngàn”… được bà sáng tác từ những chất liệu múa dân gian các dân tộc, đã đem lại hơi thở mới cho múa Việt Nam.
Chu Thuý Quỳnh cũng là nghệ sĩ đầu tiên đưa những nét đẹp bình dị của con người Việt Nam lên sân khấu múa. Ở các tác phẩm như “Hoa Tràng An”, “Hương xuân”, “Hương quê”, “Hoa xuân đất nước”… của bà, đất nước mang vẻ đẹp tinh khôi của những cánh hoa. Ở đó hoa cúc, hoa hồng mà đặc biệt là những cách đào Nhật Tân, chợ hoa Quảng Bá, làng hoa Ngọc Hà, được nghệ sĩ thổi hồn một cách kì diệu mà chẳng ai làm được.
NSND Chu Thúy Quỳnh tâm niệm: "Học thì mình phải hành bằng cái vốn của đất nước mình, chính vì vậy mà tôi đi sâu vào những dân tộc. Những dân tộc tôi muốn sáng tác ra các điệu múa tôi lên tận nơi học từng động tác một. Tôi đưa vào những điệu múa của tôi. Đối với tôi những gốc múa dân tộc là vốn liếng lớn nhất và cũng cho hiệu quả cao nhất. Ví dụ muốn sáng tác được múa Mông thì phải lên tật đấy, múa Thái tôi cũng đi, múa Tày, Nùng, Dao… tôi cũng đến học từng nơi một".
Đã có những ngả rẽ cuộc đời có thể đưa bà đến với công việc khác, nhưng như cánh chim không mỏi, NSND Chu Thúy Quỳnh luôn thấy múa đối với bà như là định mệnh, là duyên nợ khó có thể tách rời. Thế nên hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật múa, khán giả luôn thấy một Chu Thúy Quỳnh sống trọn vẹn với những vai diễn làm rung động lòng người. Niềm say mê và yêu nghề ở bà khiến bất cứ ai khi gặp lần đầu cũng được truyền lửa bởi sự nhiệt huyết và cống hiến dường như không mệt mỏi.
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch nói: "NSND Chu Thúy Quỳnh năm nay đã ngoài 70 rồi nhưng chị vẫn làm việc, vẫn say mê. Đây là một người con gái có nghị lực phi thường. Đấy là cái gương để chúng tôi và thế hệ sau soi vào".
Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật múa, người nghệ sĩ ấy vẫn mang trong mình niềm say mê bất tận, những điệu múa của bà mang đậm dấu ấn về chiều sâu văn hoá, lịch sử dân tộc, thấm đẫm hồn núi sông và điểm tô cho lịch sử nước nhà. Đến nay, khi mái tóc đã pha sương, đôi tay không còn mềm dẻo để múa lên những điệu múa, thì trên cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh lại theo sát bước chân các nghệ sĩ đến từng xã, từng bản làng, sưu tầm, phục dựng, rồi sáng tạo ra những điệu múa mới và Giải thưởng Hồ Chí Minh là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của bà với môn nghệ thuật này.