Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nữ sinh đánh nhau: Đuổi học có phải là giải pháp tốt?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc 2 nữ sinh lớp 9 của trường THCS Trần Hưng Đạo (Kiên Giang) đánh 3 nữ sinh cùng trường, Hội đồng kỷ luật nhà trường thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi học đến hết năm học 2017-2018 đối với 2 nữ sinh này. Tuy nhiên, đã có những quan điểm trái chiều xung quanh mức kỷ luật này.

Trên trang cá nhân của mình, bạn Minh Anh cho biết, rất “sốc” với kiểu hành xử côn đồ của 2 nữ sinh lớp 9 và đồng tình với mức kỷ luật nặng để làm gương cho những HS khác. Bên cạnh đó, không ít bạn đọc đặt câu hỏi, trách nhiệm của các tổ chức trong nhà trường ở đâu khi chuyện đánh nhau xảy ra ngay trong môi trường học đường.
 Ảnh cắt từ clip. Nguồn: Internet
Nhiều người lo ngại, việc nhà trường đuổi học có làm cho HS ngoan hơn không, hay chỉ đổ “thêm dầu vào lửa” khiến HS bất mãn và dễ sa ngã và các tệ nạn xã hội. Có người đề xuất, hãy để cho các em tiếp tục đi học nhưng thực hiện kỷ luật lao động tại trường từ 3 tháng, 6 tháng thậm chí là 1 năm. Thay việc đuổi học bằng việc bắt HS lao động công ích.
Thực tế, trong nhà trường hiện nay đang tồn tại việc HS hư, vi phạm, nhiều trường kỷ luật nghiêm khắc như buộc thôi học. Theo cô Nguyễn Thị Huế - giáo viên trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội), thay vì đánh đuổi, đình chỉ trẻ, giáo viên hãy coi HS như một người bạn, luôn gần gũi các em, gợi mở để các em có thể tâm sự những khúc mắc và cùng tháo gỡ kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Dưới góc độ tâm lý giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc loại HS ra ngoài một cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông chỉ chứng tỏ sự thất bại của giáo dục. Ở bậc đại học, đào thải là cần thiết vì ở đó là đào tạo nghề. Còn ở phổ thông là giáo dục con người, làm sao để HS hình thành, phát triển nhân cách, kỹ năng, phẩm chất để vững vàng, tự tin bước vào cuộc sống. “Cần có phương pháp để giáo dục học trò phù hợp, tôn trọng học trò, biết chấp nhận cả ưu và nhược điểm của các em mới mong rèn giũa được HS nên người. Khi HS mắc sai lầm, không nên vội vàng kỷ luật, mà nên giải quyết mềm mỏng, có tình người, cho các em một cơ hội vị tha, đây cũng là cách hướng các em đến lòng vị tha. Việc đẩy những đứa trẻ bị xem là hư ra đường là trái với tinh thần nhân văn”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.