Khó có thể kể hết nỗi nhọc nhằn của cô bé An Như và cả gia đình trong những năm tháng tuổi thơ đầy giông bão, đặc biệt là nỗi niềm, sự trăn trở của người mẹ trẻ. Nhớ lại những ngày tháng đầy khó khăn của gia đình khi cô con gái bé bỏng không may bị tai nạn, chị Nhữ Thị Tuyết Anh trú tại phòng 503, A6, Phương Mai, Hà Nội (mẹ Như) vẫn còn nguyên cảm giác xúc động, xót xa: “Ngày mới sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác, Nguyễn An Như khỏe mạnh, xinh xắn. Nhưng khi được 11 tháng tuổi, Như gặp một tai nạn khá nặng. Khó khăn lắm, gia đình mới giữ được mạng sống cho con. Tuy nhiên, đôi mắt của con mãi mãi không trở lại bình thường được nữa bởi những lần phẫu thuật não”. Nhớ lại chặng đường đồng hành cùng con đến trường, dõi theo từng bước con đi, gần 10 năm qua, mỗi ngày con đến trường trong lòng chị lại canh cánh nỗi lo. Nước mắt lung tròng khi nhìn thấy con “một mình một thế giới trong khi bạn bè cùng trang lứa với con thỏa thuê nô đùa, cảm nhận cuộc sống và thế giới trẻ thơ. Thương con, chị nuốt nước mắt vào lòng, cố gắng làm tất cả những gì có thể để bù đắp lại những thiệt thòi của con. Chăm một đứa trẻ bình thường đã khó, Như lại không có cả hai mắt, nên chị gần như phải bỏ mọi công việc để ở nhà chăm sóc con.
Còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau của mẹ cũng như sự thiệt thòi của bản thân so với bạn bè đồng trang lứa, với An Như, được sống bên cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Không may mắn bị mất đi thị giác nhưng An Như lại được trời phú cho khả năng cảm thụ âm nhạc và những năng khiếu đặc biệt. “Từ nhỏ, em đã rất yêu thích những làn điệu dân ca và đam mê với các loại nhạc cụ dân tộc, nhất là tiếng đàn Tranh thánh thót”, An Như hồn nhiên chia sẻ. Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, chị Tuyết Anh tâm sự: “Khi con bắt đầu biết nhận thức thì tôi nhận thấy con có một chút năng khiếu về âm nhạc. Gia đình đã mời các chuyên gia, các thầy cô thẩm định và cũng nhận xét là con có năng khiếu và khuyên gia đình đầu tư cho con theo bộ môn âm nhạc truyền thống. Để tìm được hướng đi đúng cho con, bản thân tôi đã cố gắng tham gia các khóa học dạy trẻ em khuyết tật. Thời gian này, gia đình tôi đã gặp phải không ít những khó khăn, thử thách”.
Cho đến năm lên 6 tuổi, bé Như được mẹ đăng ký cho theo học tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây, ngoài việc học văn hóa, Như còn được học âm nhạc để thỏa niềm đam mê. Từ sự chăm sóc yêu thương của người thân và các thầy cô, bạn bè, cùng những nỗ lực, kiên trì của bản thân, Như đã gặt hái được quả ngọt khi em liên tiếp dành được những danh hiệu khiến bạn bè nể phục. Trong suốt 7 năm qua, Như đều đạt học sinh khá, giỏi của trường. Cô bé thường xuyên tham gia các buổi lưu diễn, các chương trình giao lưu văn nghệ dành cho trẻ em khuyết tật và đạt nhiều giải thưởng về âm nhạc. “Sau mỗi chuyến lưu diễn, em được gặp rất nhiều bạn và học hỏi được những kinh nghiệm trong việc học cũng như biểu diễn nghệ thuật. Được gặp những bạn có hoàn cảnh giống với em, em cũng cảm thấy được chia sẻ nhiều hơn, nhìn vào các bạn để nỗ lực vươn lên, vượt qua số phận”, Như chia sẻ.
Với Như, mỗi tấm huy chương, mỗi giải thưởng sau các kỳ hội diễn là một động lực thôi thúc em cố gắng. Như bảo: “Ngoài niềm đam mê thì bản thân mỗi người đều phải nỗ lực, khổ luyện thường xuyên. Em ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo, được truyền đạt những kiến thức, hiểu biết của mình cho các em học sinh đồng tật, đồng thời em cũng mong muốn truyền đam mê của mình đến những em nhỏ với bộ môn nghệ thuật Ca trù. Em luôn tự hứa với bản thân sẽ chăm chỉ luyện tập hơn nữa để đạt những thành tích cao hơn”.