Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước Mỹ trước tiên hay nước Mỹ chia rẽ trước tiên?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cuộc chiến” giữa Tổng thống Mỹ và giới tư pháp báo hiệu, chính sách "nước Mỹ trước tiên" mà ông Trump theo đuổi có nguy cơ thành "nước Mỹ chia rẽ trước tiên".

Trong diễn biến mới nhất, Tòa phúc thẩm khu vực 9 đã bác đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ nằm nối lại sắc lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống.
Trước đó, thẩm phán liên bang tại Seattle James Robart đã ra phán quyết chặn sắc lệnh cấm người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia nhập cảnh vào Mỹ do Tổng thống Donald Trump vừa ban hành hồi cuối tháng trước trên toàn quốc.
 Sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump bị phản ứng dữ dội kể từ khi có hiệu lực.
Phán quyết của Thẩm phán Robart được coi là một đòn giáng mạnh nhất từ trước tới nay nhằm vào sắc lệnh siết chặt thị thực đối với người nhập cư của ông chủ Nhà Trắng và được xem như “bài học” đầu tiên cho ông Trump về giới hạn quyền lực của Tổng thống.
Đây cũng là lời nhắc nhở về sự khác biệt giữa một ông trùm bất động sản vốn quen với các hành động đơn phương trong quản lý tập đoàn với người đứng đầu một quốc gia, hãng tin CNN bình luận.
Tổng thống Trump, như thường lệ, đã liên tục chỉ trích thẩm phán James Robart trên mạng xã hội Twitter. “Vị thẩm phán này đã mở cửa đất nước cho những kẻ khủng bố. Những kẻ xấu đang rất vui mừng” - ông Trump viết. Trước đó, ông Trump cũng sa thải Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi bà Sally Yates tuyên bố, sắc lệnh cấm người từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh của Tổng thống Trump là vi hiến.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng, tuyên bố và hành động của ông Trump không làm suy yếu hệ thống tâm quyền phân lập nhưng thực tế, trong lịch sử nước Mỹ, việc Tổng thống chỉ trích một thành viên của cơ quan tư pháp cũng là một động thái bất thường. Hiến pháp Mỹ quy định, các cơ quan tư pháp như một công cụ giám sát quyền lực của nhánh hành pháp và lập pháp trong hệ thống tam quyền phân lập. 
Nhận định về phản ứng của tân Tổng thống, GS Luật Jonathan Turley tại Đại học George Washington cho rằng, các chỉ trích này chỉ làm khó khăn hơn cho việc kháng cáo của Bộ Tư pháp nhằm bảo vệ sắc lệnh hành pháp của tân Tổng thống. "Sẽ là không hợp lý khi Tổng thống yêu cầu tòa án tôn trọng quyền của mình trong khi ông đang không tôn trọng các quyền vốn có của ngành tư pháp” - ông Turley nói. 

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy bang Vermont của đảng Dân chủ cho biết, thái độ chỉ trích đối với cơ quan tư pháp là vô cùng nguy hiểm và cho rằng, tân Tổng thống Mỹ đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng Hiến pháp.

Người dân Mỹ vẫn đang chia rẽ về sắc lệnh của Tổng thống. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy 49% ủng hộ trong khi 41% phản đối. Các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh này đã kéo dài trong suốt một tuần qua.