Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước Nga và một thời khó quên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại 7/11, trái tim của các thế hệ cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam từng sống tại Nga và Liên Xô trước đây lại rung lên bởi những tình cảm thiết tha, chân thành và sâu lắng với đất nước Nga thân yêu, tuy xa mà gần gũi.

Cũng như nhiều thế hệ trí thức của Việt Nam, với GS Nguyễn Minh Thuyết, nước Nga đã trở thành một phần cuộc sống với những ký ức đẹp không thể nào quên.

Ấn tượng nước Nga

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết kể, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1969, công tác tại ĐH Sư phạm Việt Bắc 8 năm, rồi được chọn đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô với chuyên ngành Ngôn ngữ học. Có lẽ cũng giống như thế hệ những sinh viên thời ấy, ông đến nước Nga với hành trang không chỉ là vốn tiếng Nga mà còn là lòng yêu mến sẵn có với mảnh đất này. Ông kể: "Tôi rời Hà Nội đi Nga đúng ngày 6/11/1977, tức là trước kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga một ngày, và đến 11/11 đặt chân đến nước Nga. Lúc ấy bọn tôi còn trẻ, đi với hoài bão được học để về nước xây dựng ngành. Nhưng cũng còn bởi tuổi trẻ nhiều tò mò, muốn biết một đất nước khác, một nền văn hoá khác như thế nào. Ấn tượng rõ nét đầu tiên của tôi về nước Nga chính là sự rộng lớn. Tàu chỉ chạy ven hồ Baican đã mất đúng một ngày. Rồi những cánh rừng rậm tuyết phủ, những người Nga trên đường chúng tôi đi qua cũng làm mọi người rất háo hức. Khi tàu đến ga tại Xibia, tôi nhảy xuống và mua đúng hai thứ, một là miếng pho mát - thứ mà trước tôi chỉ được đọc, được nghe nhưng chưa từng thấy và một chai sữa chua. Và lần đầu tiên ăn pho mát thấy như ăn miếng xà phòng, uống sữa chua thì bị đau bụng". Ông bảo, những kỷ niệm ấy dù rất nhỏ, nhưng mỗi lần nhớ lại thấy rất vui. Bởi câu chuyện trẻ con ấy sau này khi ông kể lại cho những những người bạn Nga, họ đã không thể nhịn được cười.

Không phải vô tình mà nước Nga đã trở thành quê hương thứ hai của không ít người Việt Nam. GS Nguyễn Minh Thuyết bảo: “Tôi vẫn nhớ lúc đoàn tàu bắt đầu đến Nga, những anh em đã từng đi học ở Nga và bây giờ quay trở lại làm nghiên cứu sinh, họ như là cá gặp nước, như hổ về rừng, họ bắt đầu nói tiếng Nga với nhau rất hào hứng và vui vẻ. Tôi lần đầu tiên đi, trình độ tiếng Nga có hạn, nhưng cảm giác cũng rất vui.”

Leningrad (nay là St. Petersburg) và ĐH Quốc gia Leningrad có lẽ là cái tên không xa lạ và là nơi chưa đầy ắp kỷ niệm của biết bao thế hệ trí thức Việt, cũng như GS Thuyết. Ông bảo, thành phố đẹp và ngôi trường cũng đẹp là những ấn tượng khó quên. Leninrgad hiền hoà, diễm lệ có dòng sông Neva xanh ngắt chảy qua. Thành phố nổi tiếng bởi những đêm trắng huyền diệu và những chiếc cầu mở vào giữa đêm, có Bảo tàng Ermitage, tượng Pier Đại đế lung linh và trang nghiêm bên bờ sông Nhêva, có vườn Mùa hạ thơ mộng và sâu lắng... ĐH Quốc gia Leningrad nằm trên đảo Vasiliev, cạnh bờ sông Nhêva. Ngôi trường to lớn và cổ kính gồm nhiều tòa nhà màu nâu đỏ thấp thoáng sau rặng cây phong lá vàng óng. Ông bảo: Tôi đã đến nhiều thành phố nổi tiếng, từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Phi, nhưng Leningrad trong tôi vẫn là thành phố đẹp nhất thế giới. Nơi đây, mùa nào cũng đẹp. Có những “đêm trắng”, chúng tôi rất háo hức, vừa đi vừa hò hát cùng các bạn Nga dọc theo bờ sông Nhêva để xem các cầu mở thế nào. Lúc đó mới được chứng kiến mỗi cầu mở theo một kiểu, rất thú vị.

Người thầy mang tâm hồn Nga

Trong câu chuyện của mình về những năm tháng học tập tại Nga, GS Nguyễn Minh Thuyết nói rất nhiều về GS.TSKH V.S. Panfilov, thầy hướng dẫn khoa học của mình. Trong câu chuyện, người thầy ấy hiện lên với đầy đủ, chân thực nhất hình ảnh một "con người Nga với tâm hồn Nga" nhân hậu. Ông bảo: "Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là khuôn mặt thông minh, trông hệt Gogol và nói tiếng Việt rất chuẩn. Ông dạy cho sinh viên cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp và văn học Việt Nam, văn học Trung Quốc... Thầy rất thích các tác phẩm của nhóm Tự lực Văn đoàn. Thời chúng tôi đi học, người ta đánh giá văn học lãng mạn thấp, nên tôi rất ngạc nhiên vì điều này. Sau này mới thấy rằng thầy chọn nhiều tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam,… dạy cho sinh viên Nga là rất đúng vì các nhà văn đó đều có cách viết rất trong sáng. Có lần, thầy hỏi tôi, trong số các nhà văn Việt Nam đương đại tôi thích ai. Tôi nói là thích Nguyễn Huy Tưởng. Thầy chưa biết rõ về nhà văn này. Vừa may, sau đó, tôi tìm ngay được ở hiệu sách ngoại văn của thành phố cuốn tiểu thuyết "Sống mãi với thủ đô" của Nguyễn Huy Tưởng tặng thầy. Sau mấy hôm, gặp lại, thầy bảo: "Anh nói đúng. Văn ông này thú vị lắm." Giỏi giang, nhưng rất là dân chủ, thầy luôn tôn trọng quan điểm của học trò, chỉ phản biện để hoàn thiện quan điểm ấy thôi, chứ không áp đặt.

GS Nguyễn Minh Thuyết tâm sự: “Tôi rất may mắn và hạnh phúc có người thầy như GS Panfilov. Nhờ gặp được thầy mà kiến thức, phong cách làm việc và quan điểm sống của tôi được hoàn thiện rất nhiều.” Ông kể: "Thầy chơi với sinh viên, nghiên cứu sinh rất thân, mỗi tháng mời một học trò đi rạp hát để thưởng thức nghệ thuật. Thầy hỏi tôi thích xem loại hình gì, tôi nói chỉ thích xem ba lê. Nhờ đó, tôi không chỉ được xem những vở ba lê nổi tiếng nhất mà còn được thầy chỉ cho những cái hay của vở diễn. Phải nói rằng, thầy chính là người khai mở cho tôi kiến thức về loại hình nghệ thuật này. Thầy có viết một quyển sách rất hay về ngữ pháp tiếng Việt, cỡ hơn 400 trang. Sách được in ở Nga nhưng thầy lúc nào cũng mong nó được dịch ra tiếng Việt. Rất may là tôi kịp công bố được quyển sách ấy và kịp gửi sang biếu thầy 6 tháng trước khi thầy mất. Nếu không, tôi sẽ ân hận rất nhiều."

Người Nga nổi tiếng tốt bụng, quan hệ giữa con người với con người rất nhân văn. Điều ấy giải thích vì sao kỷ niệm về nước Nga trong những người đã từng đến, từng gắn bó với đất nước ấy, với những con người nơi ấy sâu đậm đến thế. Với GS Thuyết cũng vậy, ông không thể quên từng câu chuyện đời thường nặng ân tình của người dân Nga, dù thời điểm ấy, có thể nói nước Nga Xô viết bắt đầu tiềm ẩn những khó khăn.

Sẽ quay trở lại

“Rất tiếc là trong quá trình công tác, tôi đã đi rất nhiều nước nhưng chưa có dịp nào quay lại nước Nga. Dù tôi biết mọi người cũng rất mong mình và bản thân cũng rất mong được gặp lại thầy cô, bạn bè một lần nữa, nhưng thật sự là chưa có cơ hội. Tôi luôn muốn quay trở lại, và chắc chắn sẽ quay trở lại” - GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ. Ông rất vui mỗi dịp anh em đã từng học ở Nga gặp nhau, nói về một nước nước Nga ân tình, một nền văn hoá Nga vĩ đại, và cùng nhau hát lên những ca khúc Nga trong nỗi xúc động tràn đầy.

Những năm tháng trẻ trung ấy không chỉ khắc sâu vào ông những ký ức khó phai mà đã trở thành một dấu mốc trong cuộc đời. GS Nguyễn Minh Thuyết bảo: Những thành công trong khoa học cũng như cuộc sống của tôi phụ thuộc vào ba giai đoạn, thứ nhất là giai đoạn học những thầy cô rất giỏi tại ĐH Tổng hợp Hà Nội; thứ hai là giai đoạn công tác ở ĐH Sư phạm Việt Bắc đã được thế hệ đi trước dìu dắt và thứ ba là giai đoạn học ở Nga. Những gì là tinh túy của nền văn minh châu Âu, từ lý tưởng nhân văn đến cách đối nhân xử thế, cách nhìn nhận vấn đề, tôi đều học được qua sự cảm thụ văn hóa, qua giao tiếp trong những năm tháng còn trẻ ở nước Nga. Những năm tháng học tập rèn luyện ở nước Nga đã đưa tôi lên giai đoạn cao hơn, tạo cho tôi một sức bật lớn để hoàn thành những công việc sau này. Đây là một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của tôi. Và nếu quay lại, nơi tôi đến đầu tiên sẽ là Lêningrad, sông Nhêva và mái trường nơi tôi đã học. Để một lần nữa được sống với nước Nga, với những năm tháng tuổi trẻ của mình.

Chia tay GS Nguyễn Minh Thuyết, chúng tôi như hiểu thêm rằng tại sao tình yêu với nước Nga không bao giờ vơi cạn trong lòng nhiều thế hệ trí thức Việt Nam. Dù năm tháng đã lùi xa, rất xa rồi, họ vẫn luôn mang trong mình một góc tâm hồn Nga như vậy đấy. Phảng phất những âm thanh của ca khúc "Cánh đồng Nga" từ đâu đó như bỗng bay xa hơn, rộn ràng hơn.

 Trong hơn 40 năm (từ 1945 đến 1991), Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam hơn 60.000 cán bộ khoa học kỹ thuật, trong đó 3.600 người đạt trình độ trên đại học, trên 5.000 thực tập sinh, hơn 30.000 sinh viên đại học, 5.500 cán bộ được nâng cao tay nghề, 800 giảng viên dạy nghề và 20.000 học sinh học nghề và hơn 100 ngàn công nhân kỹ thuật...

Từ 1994 đến nay, hàng năm ta và bạn trao đổi 75 lưu học sinh, 30 chuyển tiếp sinh tiếng Nga và 10 giáo viên tiếng Nga. Từ năm học 1996 - 1997, bạn đã dành cho ta thêm 100 học bổng ngoài Hiệp định, trong đó 50 cho đào tạo đại học và 50 cho đào tạo sau đại học.