Thấm thoắt đã hơn 20 năm chúng tôi tạm biệt nước Nga và chưa biết bao giờ lại được trở lại đất nước vĩ đại này - nơi mà chúng tôi đã học tập trong ba năm tại Trường Đảng cao cấp Mátxcơva.
Chúng tôi đặt chân lên nước Nga lần đầu tiên vào một ngày đầu Thu cách đây gần 30 năm (tháng 8/1983). Lúc đó, tiết trời đang se se lạnh, những chiếc lá vàng khô, mỏng tang, nhẹ nhàng chao liệng trong gió trước khi đậu xuống mặt đất. Một màu vàng như mơ trải dài trước mắt chúng tôi, đẹp đến mê hồn, khung cảnh giống như trong các bức tranh mùa Thu nổi tiếng của họa sỹ Levitan.
Mátxcơva đàng hoàng, đường bệ với những tòa nhà nguy nga, tráng lệ; những đại lộ dọc ngang, xe cộ như mắc cửi và những vườn hoa, những vệ đường chạy dài rực rỡ hoa tươi, nhìn không chán mắt. Nhưng với chúng tôi, đẹp hơn cả là sự tốt bụng, lòng hào hiệp vô cùng của những con người ở đây. Họ trung thực, chân thành, hồn nhiên với nụ cười luôn nở trên môi.
Sống ở nước bạn lâu, chúng tôi đều nhận thấy nhiều nét đẹp trong tính cách người Nga là không giận lâu. Tiếng cười, sự vui vẻ đầy thiện cảm là các yếu tố giúp người Nga hòa nhập nhanh với cộng đồng và bạn bè năm châu.
Vlodiar - Chủ tịch công đoàn của một quận ở thành phố Tula - là người rất nhiệt tình. Anh là bạn cùng phòng với tôi, đã tận tình giúp đỡ tôi học tiếng Nga và giải thích, chỉ dẫn cho tôi hiểu rõ một số phong tục, tập quán hay của nước mình. Có lần, Vlodiar còn ra tận ga mua giúp tôi vé xe lửa để ngày nghỉ tôi đi thăm em trai đang công tác ở vùng Gorlovka (Ukraine).
Trường Đảng của chúng tôi ngoài các học viên là cán bộ Đảng ưu tú của các ngành, các địa phương trong Liên Xô, còn có các học viên do các Đảng anh em ở các nước xã hội chủ nghĩa như Lào, Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Cuba… cử sang học.
Cả trường là một gia đình lớn của những người cộng sản thuộc các quốc gia khác nhau cùng chung một lý tưởng, một chí hướng cao đẹp. Chúng tôi đã được hưởng sự quan tâm sâu sắc và tình cảm đằm thắm, ấm áp của các thày, cô giáo và các nhân viên của trường, từ cô Bí thư Đảng ủy Trervaikova, thầy hiệu trưởng Mansep, thầy hiệu phó Jolobin đến thày chủ nhiệm khoa Mitorokhin và các giáo viên của khoa...
Những chuyến đi thực tế địa phương đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về con người và cảnh vật nước Nga. Giữa tháng 6/1984, chúng tôi về thành phố Kalinin, cách Mátxcơva hơn 150km để tìm hiểu tình hình thực tế. Đoàn đã đến thăm và làm việc với một số cấp ủy Đảng và chính quyền, xuống các cơ sở sản xuất công, nông nghiệp như nhà máy nhiệt điện bên sông Vonga, hai nông trang tập thể ở huyện Kisin.
Khi đặt chân đến Kisin, chúng tôi được các thiếu nữ Nga duyên dáng trong trang phục dân tộc tươi cười mời khách quý Việt Nam thưởng thức món bánh mì đen chấm với muối. Mọi người hồ hởi chuyện trò vui vẻ khiến chúng tôi cảm thấy như đang được sống trong không khí gia đình đầm ấm.
Đồng ruộng Kisin mênh mông bát ngát, dân cư thì thưa thớt nên bình quân mỗi hộ nông dân được 1ha đất để trồng trọt, chăn nuôi. Đất đai phì nhiêu lại được canh tác tốt nên đã mang lại cho người dân Kisin những vụ mùa bội thu. Đời sống của nhân dân ở đây khá cao. Ngay ở thị trấn huyện lỵ mà có đến ba rạp hát và chiếu bóng; một bệnh viện rất hiện đại.
Điều mà chúng tôi ghi nhớ mãi là hình ảnh các em thiếu niên tiền phong ở Kalinin hết sức nhiệt tình với khách và rất nhớ ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Hôm ấy chúng tôi đến viếng các liệt sỹ tại một nghĩa trang địa phương. Tại đây, các em thiếu niên gọn gàng, chỉnh tề trong bộ quần áo nghi thức đội, cất lên điệu kèn trầm hùng để tưởng nhớ các liệt sỹ.
Ở phía trên đài liệt sỹ là ngọn lửa rừng rực cháy và chiếc máy ămpli đang phát ra tiếng động thình thịch giống nhịp đập trái tim liệt sỹ, nhắc nhở mọi người biết rằng các anh chị như vẫn đang sống, hãy xứng đáng với những người đã ngã xuống cho Tổ quốc vinh quang hôm nay.
Mátxcơva và biết bao địa danh của Liên Xô đã trở nên thân thương, gần gũi đối với hàng vạn người Việt Nam từng sống, học tập và làm việc trên đất nước hùng vĩ này.
Tôi và các bạn cùng lớp: Nguyễn Hữu Lãng, Trịnh Quang Hảo, Phạm Hồng Sơn đã bao lần trầm ngâm chiêm ngưỡng bức tượng nhà thơ vĩ đại Xô viết Maia Kovski (1894-1930) dáng vẻ đường bệ, cao sừng sững, đặt ở vị trí gần khu trung tâm Thủ đô Mátxcơva.
Phía sau lưng tượng là đại lộ Goroki thênh thang, thoáng đãng, tấp nập lạ thường. Góc phía bên phải tượng là khách sạn Bắc Kinh nhộn nhịp ngày đêm và góc phía trên trái là ga xe điện ngầm mang tên nhà thơ trên, người, xe đi lại như nước chảy.
Chúng tôi đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng đoạn thơ của Maia ca ngợi nước Cộng hòa Xô viết vĩ đại, trẻ tuổi được khắc trên tấm đá cẩm thạch đặt dưới chân tượng.
Năm tháng qua đi, nhưng những bài học của 95 năm cách mạng Tháng Mười vĩ đại vẫn mang đậm ý nghĩa thời sự đối với những người cộng sản và nhân dân lao động toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù hôm nay, sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, chủ nghĩa tư bản tạm thời thắng thế do đã điều chỉnh kịp thời một số chính sách xã hội, song điều đó không có nghĩa là “chủ nghĩa xã hội đã cáo chung” như lời rêu rao của các thế lực chống cộng sản.
Dù cho vật đổi sao dời, với một đất nước, một dân tộc anh hùng, có một nền văn hóa, khoa học-kỹ thuật khổng lồ đã sản sinh ra người thày vĩ đại của cách mạng thế giới V.I Lênin, nhất định dân tộc ấy, đất nước ấy sẽ tiến lên trên con đường phát triển. Những từ ngữ quen thuộc trở thành máu thịt như Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô, nước Nga Xô viết… đã, đang và sẽ mãi in đậm trong tâm trí những người dân Việt Nam.
Bài viết này trích trong Tập san Bạch Dương số đặc biệt Kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2012) của Hội Hữu nghị Việt-Nga với sự chấp thuận của Ban biên tập. |