Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước sạch Hè 2016: Bấp bênh nguồn cung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với trên 7 triệu dân (chưa kể số lao động ngoại tỉnh), trong khi tổng sản lượng cung cấp 900.000m3/ngày, đêm chỉ đủ đáp ứng cho trên 4 triệu người, Hà Nội sắp bước vào một mùa hè nữa phải đối diện với thực trạng khó khăn nguồn cung cấp nước sạch.

Nhu cầu sử dụng tăng hàng ngày

Tổng nguồn cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đạt khoảng 900.000m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà do Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) quản lý có lưu lượng khoảng 233.000m3/ngày, đêm; sản lượng chủ yếu phân phối qua Công ty CP đầu tư & Kinh doanh nước sạch (Viwaco). Nguồn cấp từ các nhà máy nước ngầm do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) quản lý với công suất khoảng 600.000m3/ngày, đêm. Nguồn từ 2 trạm cấp nước Hà Đông cơ sở 1 và cơ sở 2 do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 50.000m3/ngày, đêm. Cuối cùng là nguồn từ 2 trạm cấp nước Sơn Tây 1 và 2 do Công ty CP Cấp nước Sơn Tây quản lý với công suất khoảng 23.500m3/ngày, đêm. Việc cung cấp nước sạch trên địa bàn TP hiện nay do 4 đơn vị nói trên đảm nhiệm, đáp ứng nhu cầu của 923.000 khách hàng, khoảng 1.080.000 hộ gia đình, tương đương 4.374.000 nhân khẩu, bằng hơn 1/2 dân số Hà Nội.
Công nhân Nhà máy nước Gia Lâm đang vận hành hệ thống sản xuất nước sạch.
Công nhân Nhà máy nước Gia Lâm đang vận hành hệ thống sản xuất nước sạch.
Tuy nhiên, những con số thống kê nói trên chưa thể phản ánh hết thực tế mối quan hệ cung - cầu nước sạch của Thủ đô. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông Hoàng Văn Thắng cho biết: “Đi sâu khảo sát chúng tôi thấy rằng nhu cầu nước sạch của người dân lớn hơn nhiều so với thực tế”. Ông Hoàng Văn Thắng dẫn chứng một số khu vực như Xa La, Biên Giang, Yên Nghĩa... (Hà Đông), hiện có rất nhiều người lao động, sinh viên ngoại tỉnh về thuê trọ. Các chủ nhà trọ trong quá trình chia phòng, xây căn hộ cho thuê đã tự ý chắp nối nhiều đường ống nhỏ, phân chia nguồn nước đầu vào vốn chỉ dành cho một hộ gia đình thành cả một mạng lưới nhỏ, cấp nước cho hàng chục đầu ra khác. Mặt khác, quy mô dân số Hà Nội đang từng ngày, từng giờ tăng lên nhưng tần số gia tăng lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của các đơn vị cấp nước. Có gia đình trước đây chỉ 2 thế hệ, nay thành 3, thành 4 thế hệ. Người đông hơn, nhu cầu tăng lên nhưng cả người dân lẫn chính quyền địa phương lại dường như đang “mất liên lạc” với đơn vị cấp nước, đặt họ vào tư thế “hụt hơi rượt đuổi” nhu cầu sử dụng nước sạch ngày một vượt xa tầm với. “Tôi tin chắc hiện tượng này xảy ra ở khắp nơi trên địa bàn TP, sản lượng nước mà người dân thực sự cần có khi cao hơn gấp đôi, gấp ba thống kê theo hợp đồng từ các đơn vị cấp nước” - ông Thắng nhận định.

Thất thoát lớn, lãng phí nhiều
Để bảo đảm cấp đủ nước sạch sinh hoạt cho Nhân dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan đầu tư xây dựng: Nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn I đến năm 2020, công suất 300.000m3/ngày, đêm tại huyện Đan Phượng; Nhà máy nước mặt sông Đuống tại huyện Gia Lâm, công suất đến năm 2020 là 300.000m3/ngày, đêm. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 nhà máy này sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho các khu vực phía Tây đường Vành đai 3, quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng, Hoài Đức và toàn bộ đô thị trung tâm Hà Nội. Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II tăng thêm 300.000m3/ngày, đêm do Vinaconex thực hiện.

Hà Nội đang sử dụng 2 nguồn cung cấp chính là nước ngầm và nước mặt nhưng cả 2 nguồn này đều đang lâm vào tình trạng bấp bênh, thiếu hụt. Các chuyên gia cho rằng, thực trạng này bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: Nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu; hạ tầng cấp nước cũ kỹ, thường xuyên xảy ra sự cố, đặc biệt là đường ống dẫn nước sông Đà; ý thức sự dụng nước sạch của người dân còn chưa cao, dẫn đến lãng phí, thất thoát nước.

Cũng theo các chuyên gia, với sản lượng khoảng 900.000m3/ngày, đêm, Hà Nội mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho trên 4 triệu người. Tuy nhiên, dân số Hà Nội đến thời điểm này đã đạt trên 7 triệu người (chưa kể lao động thời vụ, ngoại tỉnh cư trú thường xuyên). Trong khi để xây dựng hoàn thiện một hệ thống cấp nước mới phải mất đến vài năm thì dân số Hà Nội lại đang tăng từng ngày, việc thiếu nguồn cung là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, ngoài đường ống dẫn nước sông Đà với hàng loạt sự cố trong khoảng 2 năm qua, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của gần 700.000 người còn có một phần rất lớn mạng lưới cấp nước của TP đã cũ kỹ, lạc hậu hoàn toàn, vừa không đáp ứng được năng lực cung cấp, vừa gây thất thoát sản lượng nước không nhỏ. Đã vậy, ý thức sử dụng, tiết kiệm nước của người dân Thủ đô lại chưa cao, việc sử dụng nước sạch cả trong lúc đầy đủ lẫn thiếu thốn đều chưa hợp lý, lãng phí.

Trưởng phòng Hạ tầng cấp nước, Sở Xây dựng Hà Nội Lê Hồng Quân chia sẻ, hiện lượng nước thất thoát, thất thu của Hà Nội rơi vào khoảng 21,5%. Trong đó có phần rò rỉ trong mạng lưới nhưng một lượng không nhỏ lại do bộ phận người dân thiếu ý thức gây nên. Ông Lê Hồng Quân nhấn mạnh: “Nếu người dân khi sử dụng nước có ý thức tiết kiệm, biết nghĩ đến cộng đồng thì dù sản lượng thiếu, chúng ta vẫn có thể san sẻ, phân phối đều khắp TP”.

Cùng chung nhận định này, một số chuyên gia cho rằng, có 2 hiện tượng chính gây thất thoát nước từ lỗi ý thức của người dân. Một là khi bắt gặp các sự cố vỡ ống chính, hỏng van điều tiết, nhiều người thờ ơ, không thông báo ngay cho đơn vị cung cấp để sửa chữa kịp thời, dẫn đến thất thoát. Hai là nhiều nơi vẫn còn những người đục trộm ống nước, nói cách khác là “ăn cắp” nước để sử dụng, khiến đơn vị cấp nước vừa thất thu, vừa thiếu hụt sản lượng để phân phối.

Cùng chia sẻ khó khăn

Để ứng phó với vấn đề nước sạch chắc chắn sẽ phức tạp, gay go vào mùa hè này, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị cung cấp nước đang thực hiện hàng loạt giải pháp cả lâu dài lẫn tình thế. Tổng Giám đốc Viwaco Nguyễn Anh Việt cho biết, Viwaco đã đầu tư cải tạo trạm cấp nước Giáp Bát công suất 1.000m3/ngày, đêm nhằm bổ sung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân khu vực phố Nguyễn Văn Trỗi và mặt đường Giải Phóng. Ngoài ra còn lắp đặt thêm 3 tuyến ống, 3 trạm bơm tăng áp cố định, 73 trạm bơm tăng áp di động để nâng cao năng lực cung cấp, rút ngắn thời gian mất nước khi có sự cố xảy ra trên đường ống sông Đà. “Tuy nhiên, chúng tôi mong người dân sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt là khi gặp sự cố bất khả kháng” - ông Việt nói.

Hai đơn vị Hawaco và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đều đang chạy đua với thời gian để bổ sung sản lượng. Phó Tổng Giám đốc Hawaco Trần Quốc Hùng cho biết, hiện Công ty đã có thêm khoảng 30.000m3 nước/ngày, đêm từ Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì, đồng thời cải tạo, khoan thay thế, bổ sung được 8 giếng nước ngầm, sản lượng gần 13.000m3/ngày đêm; giảm được 3.800m3/ngày, đêm lượng nước thất thoát. “Hawaco có khoảng 5% sản lượng phụ thuộc vào đường ống sông Đà, tuy nhiên khi gặp sự cố, ngoài việc bù đắp 5% thiếu hụt này, chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ, ứng cứu cho cả khu vực của Viwaco bằng mọi phương tiện cần thiết” - ông Trần Quốc Hùng nói.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông Lại Đức Thịnh nhận định: “30% nhu cầu nước của Hà Đông phụ thuộc vào nguồn cung từ nước sông Đà. Chúng tôi đã lắp đặt các trạm bơm tăng áp nội bộ, để điều tiết luân phiên và rút ngắn thời gian mất nước một khi xảy ra sự cố”. Với vai trò cơ quan quản lý, Trưởng phòng Hạ tầng cấp nước, Sở Xây dựng Lê Hồng Quân cho biết, đã có rất nhiều giải pháp tình thế được đưa ra, ví như việc lắp đặt bồn chứa tại các khu dân cư phòng khi mất nước, hay huy động hàng chục xe téc dự bị, chuyên chở nước đến cho người dân khi cần... Nếu có sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương và người dân, các biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả cấp thời khi xảy ra sự cố mất nước. Các công ty cấp nước đều cam kết đảm bảo các thiết bị chứa hoặc chuyên chở nước sinh hoạt đều đã được cơ quan chức năng kiểm định, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn. Đặc biệt, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị cấp nước quan tâm đến một số bệnh viện, trường học nằm trong khu vực khó khăn về nước, để có giải pháp cấp nước kịp thời khi xảy ra thiếu nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động, vận hành của các cơ sở quan trọng này.

Mỗi đơn vị cấp nước có một phương án dự phòng riêng, cơ quan quản lý, chính quyền các cấp cũng tìm giải pháp, thế nhưng bài toán chung mà tất cả họ đều rất muốn tìm ra lời giải chính là ý thức của người dân. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mỗi người dân cần ý thức được trách nhiệm của mình với vấn đề nước sạch. Sử dụng nước tiết kiệm, trước hết là tự giúp chính mình, sau đó là chia sẻ khó khăn với cả cộng đồng. “Nước không phải là vô tận”, hãy sử dụng nước tiết kiệm, đừng vì lợi ích riêng mà làm thất thoát, lãng phí để rồi chính bản thân, gia đình mình và cả xã hội phải gánh chịu hậu quả. Bên cạnh đó, các ban ngành hữu quan của TP cũng cần có biện pháp kiềm chế tốc độ gia tăng dân số, song song xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tìm thêm nguồn nước để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
Tiết kiệm ở cả đầu ra lẫn đầu vào
Việc tiết kiệm nước sạch phải được thực hiện tốt ở cả đầu ra lẫn đầu vào. Các đơn vị cung cấp cần phát triển, duy tu mạng lưới để hạn chế tối đa rò rỉ, thất thoát, nâng cao năng lực đáp ứng trong hoàn cảnh hiện tại, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi người dân Hà Nội tự ý thức, sử dụng tiết kiệm, có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và chia sẻ khó khăn với TP. Nếu có sự chia sẻ, chung tay của người dân, chúng tôi tin rằng Hà Nội sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong

Mạng lưới cấp nước quá cũ
Trong mỗi dịp hè, việc cấp nước sinh hoạt của Nhân dân phường Thành Công cũng như nhiều phường, quận khác, ngay cả trong điều kiện bình thường đã rất khó khăn, chưa nói đến tình huống xảy ra sự cố. Nguyên nhân chính là do phần lớn mạng lưới cung cấp nước đã cũ kỹ, hư hỏng, không đảm bảo truyền tải nước đến cho người dân. Đề nghị Sở Xây dựng có ý kiến chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cùng các Xí nghiệp trực thuộc sớm cải tạo lại hạ tầng cấp nước nâng cao khả năng cung cấp nước, đảm bảo đời sống Nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm

Cần giải pháp toàn diện
Dân số Hà Nội đang gia tăng với mức độ chóng mặt, trong khi hạ tầng kỹ thuật lại chưa phát triển theo kịp dẫn đến quá tải trên mọi lĩnh vực, trong đó thiếu nước sạch sinh hoạt là một trong những vấn đế nhức nhối nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống Nhân dân. Muốn giải quyết triệt để tình trạng này, trước hết TP cần phát triển thêm nguồn nước theo quy hoạch được duyệt, kiềm chế gia tăng dân số cơ học, song song phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II và đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2, các nhà máy sản xuất nước mặt sông Hồng, sông Đuống, TP cũng cần nghiên cứu, tìm kiếm thêm nguồn cung từ nước ngầm để thỏa mãn nhu cầu hiện tại cũng như dự trữ về lâu dài. Bên cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, tránh gây thất thoát, lãng phí; đặc biệt là ngăn ngừa nạn “ăn cắp” nước đang diễn ra ở nhiều nơi.
Tổ trưởng Tổ Dân phố số 49, phường Thổ Quan, quận Đống Đa Đỗ Quang Hạnh
Ngọc Hải ghi
Khoảng 40 khu vực có nguy cơ thiếu nước
Theo báo cáo của các đơn vị cung cấp nước sạch được Sở Xây dựng tổng hợp và rà soát lại, hè 2016, Hà Nội sẽ có khoảng 40 khu vực lớn nhỏ gặp khó khăn, bất lợi về nguồn cung nước sạch.
Đứng đầu danh sách là toàn bộ địa bàn với gần 700.000 nhân khẩu của Công ty CP đầu tư & kinh doanh nước sạch (Viwaco), tập trung tại các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... chỉ có một nguồn cung duy nhất là đường ống dẫn nước sông Đà, nếu gặp sự cố vỡ ống, sẽ mất nước hoàn toàn trên diện rộng. Phía Viwaco cho biết: “Hiện nay, áp lực cấp vào mạng của công ty tại điểm đồng hồ DN1200 đang duy trì từ 12 - 17m giảm trung bình 7 m so với cùng kỳ năm 2015 nên các phường: Phú Đô, Đồng Bát, khu vực đường K2 phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); Khương Trung, Khương Đình, Định Công, Phương Liệt, Thịnh Liệt (quận Thanh Xuân), phố Trần Bình thuộc phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy)… sẽ thiếu nước trong mùa hè và bị ảnh hưởng nặng hơn, lâu hơn nếu có sự cố vỡ ống xảy ra.
Trên địa bàn của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội còn tồn tại 26 điểm đen thiếu nước gồm: đường Bưởi, Thụy Khuê (Ba Đình). Các hộ cuối nguồn thuộc phường Chương Dương, Phúc Tân, phố Hàng Tre, Hàng Bồ, Lý Nam Đế, Hàm Tử Quan, Hồng Hà (Hoàn Kiếm). Khu vực phố các tuyến phố Pháo Đài Láng, Đê La Thành I, Vũ Ngọc Phan, Thành Công, Láng, ngõ Thái Thịnh 2, phố Nguyễn Phúc Lai, N1, N2, N3 Hoàng Cầu, Bãi rác Thành Công, ngách 24/27 Thổ Quan, phố Khâm Thiên; ngõ Văn Hương, ngõ Văn Chương, N2 - N46 Lê Duẩn, ngõ 10 Giải Phóng (Đống Đa); phố Vĩnh Tuy, dốc Minh Khai, phố Hồng Mai, ngõ Hòa Bình 7, Đê Thanh Lương, cơ đê Nguyễn Khoái, phố Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, đê Trần Khát Chân, phố Hoa Lư, Vân Hồ, Nguyễn Du, ngõ Tân Lạc, ngõ Tự Do - phố Đại La; ngõ Chùa Liên Phái - phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng). Ngoài đê Lĩnh Nam, Đền Lừ, Bằng A - Hoàng Liệt, ngõ Thống Nhất phố Đại La, Ngõ Trại Cá phố Trương Định (Hoàng Mai). Cuối đường Phan Bá Vành… Một số khu vực gặp bất lợi khác là: Xa La, Dương Nội (Hà Đông) với 21.000 khách hàng.
Nguyên nhân chủ yếu do các khu vực này nằm trên cốt địa hình cao hoặc cuối nguồn nước, mạng lưới cung cấp cũ, yếu, không đảm bảo cung cấp. Đặc biệt, Công ty CP Nước sạch Sơn Tây cho biết, do hệ thống cấp nước đã khai thác hết và vượt công suất thiết kế nên các khách hàng ở xa nguồn nước có thời điểm chỉ cấp được 2 đến 3 giờ/ngày, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
Yến Dư