Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS (thuộc Sở NN-PTNT Bình Định) cho biết: Do hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc NTTS. Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn nước, dịch bệnh cũng được dịp bùng phát. Đến nay, toàn tỉnh mới thả nuôi được gần 1.047 ha/1.876 ha diện tích cá nước ngọt trên các hồ chứa (chiếm 55,8%), nuôi cá trong ao 134 ha/192 ha (chiếm 69,7%).
Tại hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), từ đầu năm đến nay, do hạn hán kéo dài khiến cho lượng nước trong hồ sụt giảm mạnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 30 hộ dân đang nuôi cá lồng ở đây.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN – PTNT Bình Định), tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 50 tấn cá của người dân được nuôi theo hình thức lồng bè ở hồ Định Bình bị chết do dịch bệnh.
Trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), thuộc Trung tâm Giống Thủy sản Bình Định cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn do hạn hán.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng trạm Thực nghiệm NTST Mỹ Châu cho biết, toàn trạm có khoảng 23ha diện tích mặt nước để NTTS, được cung cấp và phân phối nước bởi 3 hồ nước là hồ Hóc Hòm có sức chứa 567 ngàn m3, hồ Đồng Đèo 2 có sức chứa 310 ngàn m3 và hồ Hóc Lách có sức chứa là 87 ngàn m3 nước. Tuy nhiên, hiện tại tất cả hầu như đã cạn trơ đáy.
Trước đó, do thiếu nguồn nước nên việc kinh doanh cá giống của trạm đã tạm ngưng để tập trung giữ đàn cá bố mẹ.
Ông Thuận cho hay, việc ngưng kinh doanh cá giống khiến Trạm thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là giữ được đàn cá bố mẹ, nếu không, mức thiệt hại có thể tăng lên khoảng 2 tỉ đồng.
Hiện tại, việc giữ đàn cá bố mẹ với 31.780 m2 diện tích nuôi được trông chờ vào nguồn nước còn lại khoảng 1.500m3 từ hồ chứa lớn nhất của trạm là hồ Hóc Hòm.
Bên cạnh đó, việc xử lý nước bằng thuốc cũng là một cách để ngăn chặn một số bệnh bùng phát do khô hạn như trùng bánh xe, thối men, sốt huyết…
Hiện mực nước của hồ Hóc Hòm chỉ còn khoảng 1.500m3 để duy trì đàn cá bố mẹ tại trạm Thực nghiệm NTTS Mỹ Châu
|