Theo đánh giá chung của giới quan sát, tuy cuộc bầu cử lần này có quy mô khiêm tốn hơn so với bầu cử Hạ viện hồi cuối năm ngoái song lại có vai trò quyết định trong việc định hình một Nhật Bản sẽ ra sao trong tương lai.
Thủ tướng Shinzo Abe (giữa), lãnh đạo đảng DPJ Banri Kaieda (trái), đồng lãnh đạo Đảng JRP Toru Hashimoto (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tại cuộc tranh luận với các lãnh đạo đối lập trước thềm bầu cử, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 3/7 đã tỏ rõ quyết tâm chấm dứt một quốc hội chia rẽ và đảm bảo ổn định chính trị ở nước này thông qua một chiến thắng quan trọng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử lần này.
Thực tế là hiện nay, liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh Mới (NKP) tuy chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện đầy quyền lực, song lại thiếu một đa số tại Thượng viện khiến chính quyền Abe khó thúc đẩy những chính sách quan trọng tại quốc hội.
So với các đảng đối lập, LDP và liên minh cầm quyền có nhiều lợi thế hơn, thậm chí có phần áp đảo, trong cuộc bầu cử lần này.
Theo điều tra dư luận mới nhất của nhật báo Yomiuri, 42% số cử tri được hỏi khẳng định sẽ bỏ phiếu cho LDP ở khu vực bầu cử theo tỷ lệ trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với các chính đảng khác không vượt quá một con số.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) - chính đảng đối lập lớn nhất ở nước này - cũng chỉ nhận được 9% số người ủng hộ.
Phần đông giới quan sát đều cho rằng chiến thắng vang dội của LDP trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo vừa qua đã mang lại cho liên minh cầm quyền và chính quyền Abe một điểm cộng trước thềm bầu cử Thượng viện. Đây cũng là một bản đánh giá rõ ràng nhất mà các cử tri đã dành cho chiến lược “ba mũi tên,” hay còn gọi là "Abenomics," của Chính phủ Nhật Bản nhằm vực dậy nền kinh tế sau hai thập kỷ giảm phát.
Những biến động tích cực trên thị trường chứng khoán Tokyo và đồng yen giảm giá sau hàng loạt các động thái nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và các khoản chi khổng lồ cho lĩnh vực công đã góp phần tô điểm cho “bộ hồ sơ đẹp” của LDP trước mắt các cử tri Nhật Bản.
Kết quả điều tra của nhật báo Yomiuri cho thấy 52% số người được hỏi thừa nhận LDP và NKP cần giành đa số tại Thượng viện, tăng so với mức 46% trước đó. Điều này cho thấy kỳ vọng của cử tri Nhật Bản về một nền chính trị ổn định bằng việc đặt dấu chấm hết cho tình trạng chia rẽ tại quốc hội nước này.
Ngoài ra, điều tra còn chỉ ra rằng 54% cử tri ủng hộ Abenomics so với 31% phản đối. Rõ ràng, lý do chính khiến các cử tri lựa chọn bỏ phiếu cho LDP là vì có cảm tình với Abenomics.
Các đảng đối lập hiện đang nỗ lực hạ tỷ lệ ủng hộ hiện đang ở mức cao đối với chính quyền của Thủ tướng Abe kể từ khi vị Chủ tịch LDP nhận nhiệm sở hồi tháng 12/2012 sau chiến thắng vang dội trước DPJ trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Chủ tịch DPJ Banri Kaieda đã công kích chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe rằng Abenomics “có thể làm tổn hại đời sống của người dân” do lo ngại giá cả sẽ leo thang.
Trong khi đó, người đồng sáng lập đảng Hội Duy tân Nhật Bản (JRP), Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto, lại nỗ lực thể hiện hình ảnh của một nhà cải cách.
Tuy nhiên, dường như các chính đảng đối lập vẫn chưa tạo ra được đột phá nào trong cương lĩnh tranh cử trong bối cảnh cái bóng của Abenomics đang bao trùm phần lớn dư luận Nhật Bản.
Sau khi Thủ tướng Abe chính thức công bố chiến lược tăng trưởng, được cho là mũi tên thứ ba trong chiến lược “ba mũi tên” của ông, nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi khi cho rằng chiến lược này không mang lại nhiều kỳ vọng phục hồi kinh tế Nhật Bản vì nó vẫn chưa đủ mạnh để có thể tạo được những đột phá.
Tuy nhiên, chính quyền Abe dường như vẫn chưa tung ra quân bài cuối cùng trước cuộc bầu cử Thượng viện. Đó là một loạt các chính sách và chiến lược cải cách kinh tế triệt để và quyết liệt hơn - điều mà Tokyo chỉ có thể thúc đẩy với một Thượng viện do phe cầm quyền kiểm soát.
Cuộc bầu cử Thượng viện lần này cũng đóng vai trò quyết định đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời gian tới. Từ khi lên nắm quyền, Chính quyền Abe chủ trương thắt chặt liên minh Nhật-Mỹ đồng thời thể hiện thái độ quyết đoán hơn trong các tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản.
Nội các Abe chủ trương sửa đổi Hiến pháp nhằm biến Lực lượng phòng vệ (SDF) thành quân đội chính quy, xúc tiến thành lập Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), tăng quyền điều hành của thủ tướng trong các tình huống khẩn cấp về an ninh cũng như tiến tới công nhận quyền phòng vệ tập thể, theo đó Nhật Bản có thể can thiệp vũ trang để bảo vệ đồng minh trong trường hợp nước đó bị bên thứ ba tấn công.
Bất luận những chính sách của LDP và cá nhân Thủ tướng Abe có tác động tích cực hay tiêu cực đối với cả trong và ngoài Nhật Bản thì rõ ràng cuộc bầu cử Thượng viện lần này là nút thắt quan trọng góp phần định hình nước Nhật trong tương lai. Và ngày 21/7 sẽ là “ngày phán xét cuối cùng” mà ở đó các cử tri Nhật Bản sẽ có toàn quyền quyết định rằng có nên gỡ nút thắt đó ra hay không.