Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ồ ạt xả hàng dịp Tết Nguyên Đán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Mùi 2015. Đây là thời điểm mà nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nhất trong năm. Trái ngược với việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm thì các cửa hàng kinh doanh giày dép, quần áo, mỹ phẩm, túi xách lại đua nhau xả hàng giảm giá nhằm lôi kéo khách hàng.

Giảm 70%, khách hàng vẫn thờ ơ

Dạo qua các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội, ở bất cứ đâu ta cũng có thể bắt gặp dòng chữ “xả hàng” hay “sale off” gắn trên cửa kính hoặc treo trên biển hiệu các shop thời trang, mỹ phẩm, chăn ga gối đệm... Mức giảm giá vô cùng hấp dẫn, thông thường là từ 20 - 50%, thậm chí có cửa hàng treo biển giảm giá từ 50 – 70% trên toàn bộ sản phẩm, sốc hơn nữa thì “Xả hàng dịp Tết, lỗ cũng bán hết” (?). Nhưng, lạ là, khách hàng vẫn không mấy thiết tha với mức giá mà “cả năm mới có 1 lần” này.
Ồ ạt xả hàng dịp Tết Nguyên Đán - Ảnh 1

Ồ ạt xả hàng dịp Tết Nguyên Đán - Ảnh 2

Chị Hường, nhân viên bán hàng tại một shop thời trang trên đường Tôn Đức Thắng cho biết: “Cửa hàng thực hiện giảm giá 30 – 50% trên toàn bộ sản phẩm từ ngày 15/1 – 15/2 nhưng đến hôm nay thì lượng khách cũng không tăng nhiều, có khi còn vắng khách. Căn bản là vì, giáp Tết, cửa hàng nào cũng giảm giá không riêng gì cửa hàng mình, thậm chí họ còn giảm đến 70% nên khách hàng cũng không thiếu sự lựa chọn”.

Có thể nói, bên cạnh nguyên nhân “quá nhiều sự lựa chọn” như chị Hường nói ở trên thì xả hàng, giảm giá dịp cuối năm là một chiêu hút khách đã không còn quá mới với người dân. Mặt khác, với nhiều khách hàng đã có kinh nghiệm săn đồ giảm giá thì con số 70% vẫn chẳng nói nên điều gì, trừ phi họ được mục sở thị sản phẩm.

Chị Huệ (Đống Đa) chia sẻ: “Nói là giảm 70% đấy nhưng chắc gì. Làm ăn kinh doanh ai lại để lỗ bao giờ. Bán hàng phải lãi, cùng lắm xả hàng Tết thì ít cũng phải hòa vốn chứ lỗ thì ai mà dám kinh doanh nữa. Có khi họ lại tăng giá thật lên rồi giảm giá, vẫn lãi như thường mà mình cứ tưởng đã mua được hàng rẻ”.

Đang phân vân lựa chọn giữa những sản phẩm quần áo giảm giá tại một cửa hàng trên đường Bạch Mai, cô Oanh cho rằng: “Đi mua hàng giờ cũng như chơi trò hãy chọn giá đúng ấy. Mặc dù thấy người ta treo biển giảm giá tới 50 – 70% nhưng khi vào xem hàng thì cũng phải đoán xem cái áo, cái quần ấy với chất vải ấy có đến cái giá ấy không. Nhiều khi cứ ham của rẻ, mua về mặc rồi giặt được vài lần đã giãn ra hết rồi lại vứt xó. Tôi thì cứ phải thấy hợp lý thì tôi mới mua”.

Hay như phản ánh của chị Hiền (Cầu Giấy): “Chị thuê nhà ở đây cũng được 5 năm rồi nên hầu như những shop quần áo, giày dép nào trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy chị cũng thuộc hết. Có riêng một trường hợp đặc biệt mà chị thấy có một cửa hàng quần áo đã mở ở đây được 3 năm rồi mà ngày nào cũng thấy họ treo biển nhượng lại cửa hàng, thanh lý toàn bộ sản phẩm. Lúc đầu thấy hấp dẫn nên cũng vào xem, giá cả thì chẳng rẻ hơn các shop khác mà tối nào nhạc nhẽo cũng linh đình, chào khách í ới thanh lý giá rẻ rồi bán hòa vốn như sắp giải tán đến nơi. Thế mà từ ngày khai trương đến giờ vẫn chưa thấy… thanh lý xong. Làm thế thì chỉ hút được khách lạ chứ khách quen thì người ta cạch mặt”.

Thế mới thấy, đối với những khách hàng thông thái thì chiêu bài xả hàng, giảm giá sốc đã không còn phát huy tính hiệu quả. Ngoài việc cân nhắc đến giá cả, để khách hàng bỏ tiền túi chọn mua một sản phẩm còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm đó tốt hay kém.

Để săn được hàng tốt giá rẻ

Khi được hỏi về việc liệu có chuyện tăng giá lên rồi lại giảm giá xuống như suy đoán của một số khách hàng hay không, anh Hải – chủ cửa hàng giày 88 Shoes trên phố Chùa Láng cho biết: “Trong kinh doanh buôn bán thì tôi cũng không đảm bảo chắc chắn là có trường hợp cửa hàng nào tăng giá rồi giảm giá hay không. Thực tế, với kinh nghiệm bán hàng của mình thì tôi thấy, thời trang quần áo, giày dép hay túi xách là mặt hàng thay đổi mốt liên tục, năm nay chuộng mẫu này, sang năm mẫu khác. Cuối năm, nhu cầu mua đồ đi chơi Tết tăng cao nên chúng tôi tranh thủ xả hàng tồn kho. Ra Tết, sức mua giảm hẳn, khách vắng, nếu không xả hết hàng vào dịp này thì xác định là sang năm cũng chẳng bán được vì lỗi mốt rồi. Tâm lý khách hàng thì cứ ra Tết là họ chờ đến khi hàng hè ra mới sắm nhiều. Cửa hàng khác thì tôi không biết chứ riêng cửa hàng tôi, khách nào mua quen thì biết, không có chuyện tăng giá để giảm. Mác sản phẩm vẫn giữ nguyên và giảm giá 10 - 20% so với ngày thường mà khách vẫn rất đông bởi giá cả hợp lý”.

Còn theo kinh nghiệm của những người chuyên săn hàng giảm giá thì để chọn được mặt hàng chất lượng tốt, giá rẻ trong muôn vàn sản phẩm giảm giá dịp cuối năm, điều đầu tiên là khách hàng cần lựa chọn những cửa hàng đã có thương hiệu, uy tín hoặc các cửa hàng đã quen mặt và thuộc giá cả. Tiếp đó, để tránh mua phải hàng nhái trà trộn, khách hàng cũng cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về sản phẩm, lựa chọn kỹ càng, xem thông tin nhà sản xuất, chất liệu, đường may và các thông số kèm theo…

 
Canifa - thương hiệu thời trang nổi tiếng được khá nhiều khách hàng ưa chuộng cũng giảm giá tới 50%.
Canifa - thương hiệu thời trang nổi tiếng được khá nhiều khách hàng ưa chuộng cũng giảm giá tới 50%.
Chia sẻ của chị Thu (Cầu Giấy): “Tất nhiên là để mua được một sản phẩm giá rẻ mà chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì ai cũng thích nhưng không phải ai cũng đủ thông thái để không mắc bẫy của những cửa hàng kinh doanh buôn bán. Bản thân mình, mình luôn lựa chọn những chuỗi cửa hàng thời trang đã có tên tuổi như hàng Việt Nam xuất khẩu M2, Elise, Genviet, Canifa, thời trang nam thì có Phan Nguyễn… hoặc các shop thời trang gần nhà mà đối với họ thì mình đã quá quen mặt mà giá cả thì không có gì lạ. Có khi vào chọn mua 1 sản phẩm, đã ưng cái dáng áo và chất liệu rồi nhưng vì giá vẫn hơi cao so với túi tiền nên tạm thời để đó, đợi đến khi giảm giá thì vào rinh về. Đó cũng là một cách để mình mua được món đồ tốt với giá rẻ hơn ngày thường 20 – 30%”.

Về phía các cửa hàng kinh doanh, khuyến mại, giảm giá là một cách để thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi, bởi nếu lạm dụng, không những sẽ không thu hút được khách hàng mà còn gây mất thiện cảm đối với họ, nhất là đối với những cửa hàng thường xuyên treo biển giảm giá. Bên cạnh giá cả thì chất lượng, mẫu mã sản phẩm và thái độ phục vụ vẫn luôn là những tiêu chí hàng đầu không thể bỏ qua để làm nên uy tín của một thương hiệu thời trang.