Lợi thế thuộc về ngân hàng nhỏ
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy, khối ngân hàng thương mại CP đã nhanh chân hơn các ngân hàng quốc doanh trong cuộc đua tăng trưởng tín dụng.
Lãi suất giảm, mùa kinh doanh cuối năm là cơ sở để các ngân hàng kỳ vọng đẩy mạnh cho vay. Ảnh: Lê Toàn
Tính đến cuối quý I/2013, tổng dư nợ cho vay của Oceanbank đạt 27.941 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cuối năm 2012. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 12,9%, MB đạt 7,5%, Eximbank đạt 7,6%. Trong khi đó, Vietcombank tăng trưởng tín dụng âm 1,1%; BIDV, Viettinbank, Agribank tăng không đáng kể.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 4,5%. Như vậy, khối ngân hàng thương mại CP đang đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành 6 tháng đầu năm.
Tín dụng tăng tốt là động lực để một loạt ngân hàng vừa và nhỏ trình NHNN kế hoạch xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, NamA Bank xin NHNN nới tăng trưởng tín dụng lên 3,3 lần từ chỉ tiêu 9% hồi đầu năm lên mức 30%. HDBank xin được nới "room" tín dụng lên 20%, thay vì chỉ có 12% được NHNN giao cho đầu năm nay. Mới dây nhất, Sacombank đã được NHNN chấp thuận cho tăng "room" tín dụng từ 12% lên 20%.
Vốn chảy vào đâu?
Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, hiện, các ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn. Tín dụng vẫn là kênh đóng góp phần lớn vào mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng. Trong khi sức cầu yếu, DN tốt vẫn... hiếm như lá mùa thu, thì các ngân hàng đang tìm mọi cách xoay xở để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Vì thế, đang có tình trạng các ngân hàng cạnh tranh cho vay số ít các DN tốt. Cũng có nhiều ngân hàng chọn cách phát triển mạnh các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại CP như Tienphong Bank, ACB, HDBank… đồng loạt tung ra các chương trình cho vay mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng… lãi suất 0%, thậm chí cho vay không cần tài sản thế chấp. "Trong tháng cuối năm, chúng tôi tập trung vào các mảng như cho vay mua nhà ở, mua xe và tiêu dùng và một số lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đối với đơn vị ngoại tỉnh..." - ông Trần Ngọc Tâm - Phó Tổng Giám đốc NamA Bank cho biết.
Theo phân tích của các chuyên gia Công ty chứng khoán Vietcombank, việc các ngân hàng thương mại CP đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đã góp phần tăng trưởng tín dụng. Đây có thể là nguyên nhân lý giải phần nào chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 vẫn có mức giảm mạnh do tín dụng chưa chảy vào khu vực sản xuất. Việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời điểm hiện nay có ít rủi ro về nợ xấu cũng như thanh khoản do yêu cầu chứng minh khả năng trả nợ và tài sản thế chấp của đối tượng được vay rất chặt chẽ. Tuy nhiên, một nguy cơ khác cần được cảnh báo là nếu NHNN và các ngân hàng thương mại CP quá đà trong cho vay tiêu dùng có thể tạo ra nguy cơ hình thành bong bóng tín dụng như những năm 2008, 2009. Tín dụng tăng cao nhưng chất lượng cũng như cơ cấu tín dụng thiếu hợp lý có thể là nguyên nhân khiến lạm phát quay trở lại, đe dọa “sức khỏe” của nền kinh tế.