Ông Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance cho biết: "Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy các hoạt động kinh doanh nội địa đang hồi phục, song nguy cơ về làn sóng dịch Covid-19 thứ hai có thể làm tổn thương tâm lý người tiêu dùng".
Những thách thức đối với tiêu dùng
Sau hơn 50 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Bắc Kinh phát hiện một trường hợp nhiễm bệnh vào ngày 11/6. Và ghi nhận thêm 6 ca nhiễm vào ngày hôm sau, đến ngày 15/6, Bắc Kinh báo cáo tổng cộng 106 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 5 ngày.
Phần lớn số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 có liên quan đến chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa, nằm ở ngoại ô Bắc Kinh.
Sau khi xuất hiện ổ dịch mới tại Bắc Kinh, chính quyền TP đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho hàng chục ngàn người sống ở khu vực lân cận chợ Tân Phát Địa và những người ra vào khu chợ này.
Các quan chức cũng áp dụng lại một số hạn chế đã được nới lỏng trong vài tuần tại Bắc Kinh. Biện pháp đo thân nhiệt và kiểm tra người ra vào các căn hộ chung cư cũng được tiến hành trở lại.
Các hạn chế mà Bắc Kinh và những TP khác đang áp dụng nhiều khả năng sẽ lại khiến cho hoạt động kinh tế của Trung Quốc sụt giảm.
Theo một tờ báo của nhà nước Trung Quốc ngày 15/6, ít nhất 29 địa phương ở các khu vực khác của Trung Quốc đã công bố các biện pháp cách ly đối với du khách từ Bắc Kinh, đặc biệt là người đến từ các quận có nguy cơ cao.
Dan Wang - nhà phân tích của The Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: "Vì Tân Phát Địa là chợ nông sản lớn nhất phía Bắc Trung Quốc, việc đóng cửa chợ này sẽ làm tăng lạm phát thực phẩm và làm khó cho ngành kinh doanh nhà hàng".
Đợt bùng phát dịch mới tại thủ đô Bắc Kinh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi tiêu dùng tại Trung Quốc.
Công ty tư vấn Oliver Wyman dự đoán thị trường may mặc của Trung Quốc với doanh số lớn nhất thế giới lên tới 370 tỷ USD, sẽ sụt giảm khoảng 60 tỷ USD do chịu tác động từ khủng hoảng dịch Covid-19.
Tín hiệu kinh tế tích cực
Dữ liệu cấp quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15/6 cho thấy doanh số trực tuyến hàng tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng 15,6% so với một năm trước.
Ông Qin Gang, người sáng lập YaSong Institute of City Strategy cho biết người Trung Quốc ngày nay sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn các thế hệ trước. Theo ông Qin, xu hướng tiêu dùng trong dài hạn vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, ông Gang đánh giá tiềm năng khá lớn đối với chi tiêu cho văn hóa và du lịch, cũng như giáo dục, y tế và những dịch vụ liên quan tới hưu trí.
Hiện tại, các hạn chế của Bắc Kinh vẫn chưa nghiêm ngặt bằng lệnh cấm người lao động quay trở lại làm việc được áp dụng tại hơn một nửa các tỉnh thành và khu vực tại Trung Quốc hồi tháng 2.
Về dài hạn, các quan chức và DN Trung Quốc đều nói về những cơ hội chưa được khai thác ở những khu vực bên ngoài các TP lớn.
Ông Tang Min, cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói với các phóng viên: "Chắc chắn là việc làm đang phải chịu áp lực".
Ông Tang nói rằng ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, người lao động ở nông thôn đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn. Nhưng hiện tại, nhiều người trong số họ đã tìm được việc trong khu vực thay vì di cư đến các TP lớn.