Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ơ hay, Tết trong mắt em!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiết trời cuối đông se lạnh, khi những ngọn đèn Noel thắp lên lung linh cũng là lúc báo hiệu một năm sắp kết thúc. Rồi thì mùa một mùa xuân mới sẽ về và xuân cũng sẽ mang theo một điều đặc biệt: Tết.

Nhưng có một điều hơi “khác thường” là tết trong mắt trẻ thơ hôm nay thiếu mất cái đặc biệt của ngày Tết ngày xưa mà người lớn từng trải qua.

 

Tết xưa của thời thơ ấu

 

Tôi còn nhớ như in khi ở độ tuổi những cô bé, cậu bé học tiểu học, Tết là một dịp thật đặc biệt. Như thường lệ cứ đến những ngày cận Tết mẹ và bà lại lục đục làm bánh mứt, dưa kiệu… Đi học về là tôi cứ lăng xăng theo mẹ hoặc bà để được phụ lau lá chuối gói bánh tét, ngắt rễ những củ kiệu… Sáng mồng một, bao giờ ba tôi cũng dậy sớm, ông mặc một bộ đồ đẹp nhất và trịnh trọng gọi anh em chúng tôi lại, trước là răn dạy điều hay lẽ phải, ý nghĩa ngày Tết, và sau là nâng niu lấy từ túi áo ra những phong bao đỏ thắm dù bên trong chỉ có vài trăm đồng để lì xì cho chúng tôi.

 

Cái cảm giác ấm áp, thiêng liêng ngày đầu năm đó, đã nằm sâu trong tim tôi từ những ngày thơ bé. Ba cũng dắt anh em chúng tôi đến chúc Tết ông bà, thắp nhang bàn thờ rồi lại rồng rắn ra nghĩa trang viếng mộ đầu năm… Tôi vẫn còn nhớ như in cái mùi nhang nồng ấm thoang thoảng bay trong cơn gió đầu xuân.
Mà không chỉ riêng tôi, ký ức về tuổi thơ về ngày Tết trước đây của nhiều người nó diệu kỳ, lung linh chứ không “nhạt thếch” và vội vã như bây giờ. Viết về “Tết và những kỷ niệm đáng nhớ”, một cô gái có nickname tramnamcodon đã diễn tả: “Tết về, bao kỷ niệm tuổi thơ cũng ùa về. Em chìm đắm, say mê trong những kỷ niệm ngập toàn màu của Tết. Ngày em còn bé xíu như hạt đậu, em và chị háo hức chờ mong Tết như bất cứ đứa trẻ nào. Em lấy phấn gạch lên tường từng ngày trôi qua để chờ Tết, và dường như tết đến nhanh hơn theo cách đó.”

 

Với cô gái này, Tết của là hình ảnh mẹ tất bật lo chợ búa, dọn dẹp nhà cửa; anh ngồi dện bánh in; bà tay quạt than tay vớt những chiếc bánh thuẫn vàng ươm ra khỏi khuôn; em và chị được thức khuya hơn để lẽo đẽo ngồi gần ba mẹ canh bếp lửa đun nồi bánh chưng bốc khói. Tết không chỉ tha hồ được ăn kẹo bánh, được nhận những đồng tiền lì xì mới cứng, mà còn có tiếng cười nói gia đình, có nắng vàng, hoa đỏ thắm và lộc non mơn mởn...

 

Ơ hay, tết nay trong mắt em!

 

Cái Tết ngày nay trong mắt trẻ thơ rất khác cái Tết thời thơ ấu của những người lớn theo nhiều nghĩa. Cụ Huỳnh, hàng xóm nhà tôi thở dài: “Sắp nhỏ bây giờ không hiểu gì về ngày Tết truyền thống của dân tộc cả, mà lại rành về Tết Trung Thu, Noel”. Khảo sát ở một số trường tại TP. HCM thì đúng là giật mình. Hỏi bé Nhi, lớp 3 trường tiểu học Bình Trị Đông A, Bình Tân “Cháu có hiểu gì về tết Nguyên Đán không?” thì nhận được câu hỏi… ngược: “Tết Nguyên Đán là Tết Trung Thu hở chú?”. Cô bé hàng xóm Mỹ Hạnh học lớp 4 cũng mắt tôi xoe tròn ngơ ngác “Con không biết Tết Nguyên Đán vì ba mẹ không nói Tết này cho con hiểu.”

 

“Điệp khúc” buồn này tôi cũng nhận được từ nhiều bé khác. Có bé chỉ mong đến Tết để được chơi game cả ngày, và “sốc” hơn nữa là nhiều em không thích Tết. Lý giải về chuyện trẻ em thành phố mơ hồ về Tết Nguyên Đán, anh Hoàng An, quận 3 nói: “Người thành phố bây giờ thực dụng quá. Họ không chú trọng dạy dỗ cho con mình hiểu biết về ngày Tết. Ngày Tết mà dắt con đến nhà thì ba cứ sà vào bàn nhậu mặc kệ con. Tết nhiều gia đình ở thành phố còn đóng cửa đi du lịch, thế là xong một cái Tết rồi!”.

 

Khi không được người lớn hướng dẫn và cho tham gia vào những công việc chuẩn bị Tết, dường như trẻ cũng “thờ ơ” bởi vì chúng không cảm thấy thú vị. Chỉ có một cách thiết thực nhất, tôi thiết nghĩ, các bậc phụ huynh nên dành thời gian “rủ rê” con trẻ cùng tham gia chung tay chuẩn bị Tết. Bắt đầu từ những việc đơn giản như treo đồ trang trí lên cây mai, lau dọn góc học tập… dần dần đến những việc “khó” hơn như sơn hàng rào, tự tay chọn chậu hoa chưng Tết. Chắc chắn rằng, trẻ sẽ thấy vui vì không khí Tết xung quanh có một phần công sức của chúng.

 

Tết Nguyên Đán là dịp thiêng liêng nhất của quốc gia, dân tộc. Nó đầy ắp ý nghĩa, tràn ngập niềm vui. Vì thế trẻ thơ cần phải hiểu ý nghĩa về ngày Tết, được chia sẻ và tận hưởng những giấy phút tuyệt vời đó. Gia đình, nhà trường, xã hội cần chung tay gieo vào tâm hồn các em chữ TẾT thật đẹp, để các em có cái Tết diệu kỳ như chúng ta từng trải qua.