Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp: Cần giải pháp quyết liệt hơn

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghiệp là một trong những ngành "đóng góp" rất lớn vào ô nhiễm không khí (ONKK) nhưng chưa được quan tâm đúng mực. Vì vậy, cần có những hành động quyết liệt, từng bước giải quyết triệt để các nguồn phát thải này.

Tại tọa đàm “Mối quan tâm của cộng đồng về ONKK từ nguồn phát thải công nghiệp - Vấn đề mới nổi” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức sáng 12/6/2020, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề và khuyến nghị giải pháp, chính sách trong bảo vệ môi trường không khí trước bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường đang được thảo luận tại kỳ họp quốc hội.
Nhiều ý kiến được chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Hà Ánh)
Ngành công nghiệp nặng càng tăng thì càng ô nhiễm
Trong những năm gần đây, ONKK đã trở thành vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Bởi lẽ, những tác động của ONKK đến sức khỏe, cuộc sống rất rõ ràng. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia đánh giá, nguồn phát thải công nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ONKK rất lớn.
Không thể phủ nhận, những tác động tiêu cực từ sản xuất công nghiệp dẫn đến ONKK đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Đơn cử, tại xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), một xã nhưng có đến 4,5 nhà máy xi măng.
"Không khí cả một vùng luôn trong tình trạng ngột ngạt, khó thở. Nhất là về buổi chiều nắng nóng, khói bụi mờ sương, vài ba ngày nếu không quét dọn là bụi đầy mái nhà, dân khổ như thế mà không biết làm thế nào", ông Trịnh Văn Sỹ - Hội Cựu chiến binh xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đại diện cho người dân chia sẻ tại tọa đàm.
Khằng định thêm thực trạng ONKK tại xã, ông Đinh Hồng Tảo - trạm y tế xã Thanh Hải đã đưa ra những con số giật mình. Tổng số ca tử vong tính từ năm 2015 đến 5 tháng đầu năm 2020 là 297, tỷ lệ tử vong do ung thư là 83/297, trong đó ung thư về hô hấp chiếm tỷ lệ 39/83, gần 50%.
“Với xã Thanh Hải, gần nhà máy khu công nghiệp, cách nhà máy điện than Ninh Bình 13km, nhà máy xi măng, xây dựng các vật liệu khai thác đá, bụi từ chất đá vôi, nhà máy xi măng gần nhất chỉ cách trạm y tế khoảng 1km” - ông Tảo nói.
Nhấn mạnh tại tọa đàm ngành công nghiệp nặng ngày càng tăng thì ngày càng ô nhiễm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), hiện nay, trên thế giới 9/10 người đang hít không khí bẩn. Tỷ lệ người già, trẻ em bị bệnh hen suyễn tăng nhanh, chưa kể ung thư. Những hạt bụi nhỏ mang theo chất độc nguy hại từ công nghiệp không chỉ dừng đến phổi mà còn ngấm dần đến nhiều bộ phận khác.
“Phát thải từ các phương tiện cá nhân và xe máy giảm, nhưng nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng bù đắp nhu cầu từ hộ kinh doanh khiến cho hoạt động của các nhà máy điện vẫn diễn ra bình thường. Nhiều khả năng một số nhà máy trong khu công nghiệp vẫn hoạt động. Qua bản đồ vệ tinh, chúng tôi thấy lượng phát thải từ các nhà máy điện than và khu công nghiệp ở Quảng Ninh và Ninh Bình ở phía Nam Hà Nội tăng mạnh”, bà Isabella Suarez - Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và không khí sạch (CREA) phân tích.
Nhiều đơn vị khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường. (Nguồn: Nhân dân)
Cần quy định và biện pháp chặt chẽ
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần có quy định và biện pháp chặt chẽ hơn về quy chuẩn kỹ thuật cũng như chế tài xử lý đối với các nguồn phát thải công nghiệp và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường đang được sửa đổi.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII, trong luật sửa đổi môi trường lần này đã tập trung vào vấn đề ONKK, bởi thực trạng không khí vừa qua đã gây những hậu quả, hệ lụy lớn đến sức khỏe người dân, đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, trong luật sửa đổi, về chế tài xử phạt người gây ô nhiễm còn chưa rõ. Trong trường hợp này chỉ có thuyết phục người dân, doanh nghiệp là ai gây ô nhiễm thì phải trả tiền và phải tương xứng với hành vi vi phạm.
Như hiện nay, tổ hợp gây ONKK rất nhiều như rơm rạ, đốt than tổ ong, giao thông, công nghiệp, khai thác đá... Vì vậy phải có những giải pháp cụ thể hơn, nhất là trong hệ thống thiết bị giám sát, đo đạc để có những số liệu chính thức về ONKK, từ đó biết rõ ngành nào nhiều, ngành nào ít, loại hình nào phải thu phí nhiều. Đồng thời, phải có cơ quan kiểm tra chéo để có số lượng trung thực nhất. Nếu không từng bước thực hiện và quyết liệt thì rất khó trong việc giải quyết ONKK nói chung và ONKK từ nguồn phát thải công nghiệp nói riêng.
"Mặc dù đã nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ONKK nhưng nhìn chung, công tác quản lý ONKK tại Việt Nam vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết triệt để. Một số trường hợp còn chưa xác định rõ nguyên nhân từ đâu và đóng góp ở mức độ  nào. Vì vậy cơ quan Nhà nước phải vào cuộc rốt ráo hơn nữa, không thể tự giao cho doanh nghiệp hay xã hội hóa mà có cách thức quản lý từng vùng, từng khu thì mới phân loại và có giải pháp đúng đắn" - bà Bùi Thị An chia sẻ.