Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ô nhiễm môi trường gia tăng vì luật thiếu chặt chẽ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê, mỗi năm, Cục Cảnh sát môi trường xử phạt gần 6.000 vụ vi phạm môi trường. Cá biệt có nhiều vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc dư luận cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt.

Bởi thực tế cơ quan này vẫn chưa thể truy tố được bất cứ vụ nào do Luật Bảo vệ Môi trường còn tồn tại quá nhiều điểm cần phải sửa đổi, bổ sung.

Chỉ xử phạt, khó truy tố

Ông Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục CSMT cho biết, khi phát hiện Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải, Cục đã yêu cầu công ty đưa ra bản đánh giá tác động môi trường (TĐMT) được lập khi xây nhà máy thì chỉ nhận được bản photo. Khi được yêu cầu cho xem bản chính, Vedan biện bạch rằng Luật không bắt buộc phải trình bản chính. Theo ông Thảo, do Luật Bảo vệ môi trường thiếu chặt chẽ, nên doanh nghiệp tìm kẽ hở để lợi dụng. Ông Thảo dẫn chứng: "Điều 92 qui định "khu vực bị ô nhiễm" trong trường hợp xả nước thải thì khi điều tra chỉ có ở miệng xả mới có mức độ ô nhiễm vượt quá 5 lần, còn ở sông thì đâu có vượt qui định. Vậy thì xác định khu vực để khởi tố làm sao được. Cần phải nghiên cứu để tính lại".

Bà Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội lo lắng, chúng ta thiếu qui chuẩn kỹ thuật môi trường làm căn cứ pháp lí để phân biệt phế liệu được phép nhập khẩu cho sản xuất trong nước, và chất thải không được phép nhập khẩu. Trong khi các nước khác đã có đầy đủ qui chuẩn về tất cả hàng hóa, phế liệu, phế thải là một "lỗ hổng" rất lớn. Khi đã có hàng rào kỹ thuật rồi, dù ta cấm hay không cấm các DN cũng không dám "xé rào" vi phạm. Ví dụ muốn nhập một phế liệu về Việt Nam, DN phải đối chiếu xem phế liệu đó có đáp ứng được hàng rào kỹ thuật trong nước hay không, mới dám nhập, không đáp ứng được thì phải bỏ.

Nhức nhối môi trường làng nghề

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có gần 2.800 làng nghề, với 11 triệu lao động, tình hình ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang rất nghiêm trọng. Thực trạng này có một phần lỗi từ hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa được cụ thể hóa; chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của các bộ, ngành và nhất là trách nhiệm của UBND các cấp (gồm cả cấp làng, xã, thôn, bản) chưa rõ ràng và còn chồng chéo; nhân lực và tài chính cho bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu.

Đối với qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đúng là cần có những hình thức xử phạt nghiêm túc, có tính răn đe đối với những cơ sở cố tình vi phạm các qui định về bảo vệ môi trường, tuy nhiên, cần tính đến tính chất đặc thù của các làng nghề, nên phân biệt mức độ nặng nhẹ của ô nhiễm môi trường, mà có cách xử lý hợp lý, hợp tình hơn; lấy việc hướng dẫn, trợ giúp làm chính. Cũng theo ông Tuấn, nếu áp dụng đúng những điều khoản hiện nay trong luật và các văn bản, các cơ quan chức năng có thể phạt bất kỳ làng nào, thậm chí xóa bỏ toàn bộ làng nghề vì tất cả đều ô nhiễm.

Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng phải có định hướng hết sức rõ ràng, làng nghề nào cần phát triển, làng nghề nào hạn chế. Thực tế cho thấy, làng nghề giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội về lao động và thu nhập của nhân dân. Nhưng thu nhập từ làng nghề không đáng bao nhiêu so với việc xử lý ô nhiễm môi trường từ làng nghề.

 

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường nên linh động cho phép DN xả thải ra biển xa bờ để tránh việc thải ra môi trường sông, suối…  Thế nhưng bài học nhãn tiền và đau xót từ nước Úc những năm 50 khi họ phải trả giá đắt cho việc đổ thẳng 30.000 tấn lốp ô tô xuống bờ biển để tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, để rồi sau đó phải bỏ ra gấp 5 lần giá trị chi phí đó để khôi phục lại dải san hô dưới lòng đại dương. Do đó, "việc xả thải ra môi trường chung cần phải có qui trình được nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định để đưa ra qui phạm đổ ra biển. Không thể tùy tiện.

Bà Nguyễn Hồng Nhung

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội