Ông Huỳnh Uy Dũng bên chai nước thải tại KCN Sóng Thần 2 đã được Nhà máy xử lý của ông xử lý đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt (ảnh trái). |
Sau thời gian khá dài ít xuất hiện trên thương trường, mới đây ông đã trở lại và làm nóng các diễn đàn truyền thông bởi dự án xử lý nước thải, bảo vệ môi trường mà DN của ông vừa được cấp phép. Ông có thể chia sẻ về sự kiện này?
Công ty CP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh vừa được Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận cho phép đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải. Tôi đã thử nghiệm và nhận được kết quả đạt chuẩn ở nhà máy đầu tiên đặt tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, với công suất xử lý nước thải 7.000 m3/ngày. Dự kiến đầu tháng 12, chúng tôi sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2. Đây là nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt đầu tiên của DN chúng tôi, tại tỉnh Bình Dương – chính là nơi tôi đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp đầu tiên vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước.Trên thực tế, việc phát triển các khu công nghiệp thời gian qua cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm từng ngày. Dù vô tình hay hữu ý, thì rõ ràng, nó đang góp phần huỷ hoại môi trường sống. Nếu chúng ta không sớm hành động, sẽ có lỗi rất lớn với con cháu mai sau. Vì vậy, tôi đã bỏ công ra tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực môi trường. Có ngày, tôi làm việc đến 20 giờ đồng hồ. Sau 3 tháng, tôi thấy việc đầu tư vào xử lý nước thải thành nước sinh hoạt, làm sạch môi trường hoàn toàn khả thi...
Và ông đã quyết định thành lập Công ty xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh? Đúng vậy, Công ty của tôi sẽ hoạt động quy mô trên cả nước. Trong giai đoạn 1 (2018 - 2021), chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng 100 nhà máy, công suất mỗi nhà máy xử lý 10.000m3/ngày, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng/nhà máy. Tổng vốn đầu tư 100 nhà máy là 10.000 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư đặc biệt cho 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, vì đây là tỉnh Sông Bé cũ - nơi tôi làm khu công nghiệp đầu tiên. Nay, tôi muốn chính mình xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt đầu tiên. Xong, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh miền Đông và cả nước. Chúng tôi tập trung xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các “điểm nóng” – khu công nghiệp, vốn thường xả thải gây ô nhiễm, mà lâu nay, các địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm.Trong tương lai, bước sang giai đoạn 2, DN sẽ triển khai xử lý nước thải sinh hoạt thành nước sinh hoạt tại các đô thị lớn. Đây là vấn đề nóng bỏng, vì đi tới đâu, đến địa phương nào cũng thấy lo lắng... Chúng tôi sẽ thực hiện sứ mệnh này vì môi trường, vì sức khoẻ con người và đời sống cộng đồng. Các DN sản xuất tại các địa phương, kể cả các dự án dệt nhuộm, luyện thép... vẫn có thể giao việc xử lý nước thải cho chúng tôi xử lý.
Ông có thể cho biết, tính ưu việt, sự khác biệt của phương pháp xử lý nước thải của Công ty Hằng Hữu Huỳnh?Trước đây, tại một khu công nghiệp, có tới hàng trăm nhà máy xử lý nước thải cục bộ. Nghĩa là mỗi công ty trong khu công nghiệp là phải có một nhà máy xử lý nước thải. Sau khi nhà máy của từng DN xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn B, mới đổ hết ra nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Nơi đây xử lý đạt tiêu chuẩn A theo quy định, mới xả ra ngoài. Với phương pháp xử lý của chúng tôi, các công ty trong khu công nghiệp không phải xử lý nước thải, mà xả hết nước thải về nhà máy tập trung của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xử lý thay cho DN, đôi bên cùng có lợi. Các công ty có thể xoá bỏ nhà máy xử lý cục bộ, để dành đất dùng vào việc khác. Đặc biệt, phương pháp xử lý nước thải của chúng tôi là sử dụng vi sinh, hoàn toàn không sử dụng hoá chất trong xử lý nước thải. Do đó, cách xử lý của chúng tôi không gây hại cho môi trường hiện tại cũng như về lâu dài... Ngoài ra, chúng ta phải thấy rằng, nước không phải là vô tận, mà là hữu hạn. Chúng tôi sẽ xử lý nước thải, hướng đến việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý để tiếp tục phục vụ sản xuất, phục vụ con người, chứ không bỏ đi hoặc xả ra môi trường.
Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT CP xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh (trái) |
Dự án xây dựng 100 nhà máy trên cả nước, với tổng số vốn 10.000 tỷ đồng. Ông có thể cho biết cơ sở tài chính, nguồn nhân lực để bảo đảm khả thi cho việc thực hiện đầu tư trên thành hiện thực?Về nhân lực cũng như về năng lực tài chính, chúng tôi đã chuẩn bị và có sự tính toán rất chặt chẽ. Nhân lực cho mỗi nhà máy sẽ sử dụng người tại các địa phương, nơi đặt nhà máy là chủ yếu. Mỗi nhà máy sẽ trở thành trường học, trung tâm đào tạo, thực hành... Phần lớn, chúng tôi sử dụng vốn tự có, vốn từ cổ đông và vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, vốn vay ngân hàng sẽ không quá 500 tỷ đồng.Xin cảm ơn ông!