KTĐT - Chiều 19.10, lực lượng quân đội, chính quyền địa phương nơi "rốn lũ" huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn khẩn trương cứu trợ, chuyển thực phẩm mì tôm đến cho những người dân, đồng thời đưa những người già, trẻ con còn lại bị mắc kẹt tại những vùng bị cô lập ra đến nơi an toàn.
Theo chân đoàn cứu trợ của quân đội và huyện Hương Khê, chúng tôi vượt qua hơn 30km đường sông tại những nơi trước đây vẫn là cánh đồng, đường sá để đến cứu trợ tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê. Xã Hà Linh có 20 xóm, với hơn 1.550 hộ, 6.600 khẩu, thì có tới 16 xóm bị ngập nặng. Xóm 8 cũng bị ngập rất nặng, nhưng do nằm sát núi, địa thế cao, nên chiều ngày 19.10, nhiều nơi trong xóm, nước đã rút gần hết. Đây là nơi hiếm hoi trong những nơi bị cô lập nước đã rút trả lại nhà cửa cho người dân. Tuy được “hưởng” lũ rút sớm hơn so với những vùng ngập sâu khác, người dân nơi đây cũng bị thiệt hại nặng nề do lũ gây ra. Chị Lê Thị Phúc (xã Hà Linh) than thở: “Cả yến đỗ dùng để gieo vụ ni, bây giờ đã mọc giá hết rồi, tôi đành phải mang ra xào để ăn cho đỡ tiếc”.
Không chỉ đỗ bị nước làm hỏng, mà cả hơn 5 tạ thóc của gia đình chị cũng bị ngâm trong nước, khiến bị mọc mộng, hư hỏng hết. “Chưa bao giờ nước dâng cao như lần ni. Năm 2007, ở trong nhà, nước chỉ dâng lên đến ngang mặt người, thì lần ni, đã dâng quá đầu, lên tận bàn thờ”- chị nói. Mặc dù đã kê thóc, đồ đạc lên những vị trí cao, nhưng do chủ quan, không nghĩ nước có thể dâng nhanh và cao như vậy, khiến chị chạy không kịp, mọi thứ ngập trong nước, chị phải bỏ của chạy lấy người lên nơi cao hơn. 4 giờ sáng ngày 18.10, nước bắt đầu rút, nhưng vẫn còn ngập ngang người. Mãi ngày 19.10, nước mới rút hết, chị trở về nhà để phơi phóng quần áo, đồ đạc. Hầu hết dân trong xóm đều bị thiệt hại về thóc lúa, đồ đạc. Trong xóm có chị Nguyễn Thị Liên kinh doanh gạo, xi măng do không chạy kịp nên hàng hóa đã bị ướt, hư hỏng, thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng.
Cô Nguyễn Thị Thái (xóm 7) cho biết 5 tạ thóc của gia đình bị ngập trong nước, mọc mộng, bốc mùi thối. Nhiều ngày nhấn chìm trong nước lũ, cô và các con chỉ biết cầm hơi bằng mì tôm. Thực phẩm tại “ốc đảo” thiếu trầm trọng. Người dân trông chờ vào mì tôm. “Cái gì cũng cần nhưng cần nhất là gạo, lương thực khi nước rút”- chị nói. Cũng chiều 19.10, hơn 1.300 thùng mì tôm đã được các đoàn cứu trợ chuyển đến xóm 8.
Khi nước dâng cao đỉnh điểm, xã Hà Linh không có thiệt hại về người, nhưng khi nước đã rút đi, thì một tai nạn thương tâm do điện giật đã xảy ra, khiến 1 người chết. Ông Đặng Đức Minh - Chủ tịch xã Hà Linh cho biết: Nạn nhân là anh Phan Đình Thanh (SN 1976). Vào khoảng 15 giờ ngày 19.10, trong khi chèo thuyền để chở 2 con, cháu mình về nhà từ chỗ tránh lũ, anh Thanh đã chạm sào phải đường dây cao thế, khiến anh bị điện giật, ngã xuống nước, tử vong. Ngay sau đó, người dân đã vớt được xác anh Thanh. Phó Chủ tịch huyện Hương Khê Nguyễn Văn Việt cho biết sau vụ tai nạn trên, đường dây cao thế trên đã bị ngắt điện. Sau khi kiểm tra, do thấy chưa thể đảm bảo an toàn, nên huyện vẫn chưa đóng điện trở lại.
Các mạng viễn thông khốn đốn vì lũ: Hai trận lũ liên tiếp khiến ngành viễn thông bị thiệt hại nặng nề. Có 110/204 trạm BTS của VinaPhone tại Quảng Bình bị hư hỏng, mất liên lạc, trong đó có gần 30 trạm bị ngâm dưới nước lâu ngày, khó khôi phục được. Cáp quang, cáp đồng trục bắc qua sông và ở các vùng miền núi bị đứt, trôi nhiều đoạn. Tương tự, hàng trăm cột BTS của Viettel, MobiFone cũng chịu chung số phận khiến chất lượng dịch vụ điện thoại di động, của các mạng đều bị ảnh hưởng nặng về chất lượng.