Cụ thể, trong bức thư đăng trên Facebook ngày 2/12, Mark Zuckerberg đã tuyên bố cùng vợ thành lập Sáng kiến Chan Zuckerberg Initiative nhằm “kết nối con người trên toàn thế giới để có được những cơ hội lớn và thúc đẩy sự bình đẳng cho tất cả trẻ em trên thế giới”, nhân dịp cô con gái Max chào đời. Sáng kiến này được thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), thay vì mô hình tổ chức từ thiện truyền thống.
Cặp đôi này cũng cho biết sẽ hiến tặng 99% cổ phiếu của Facebook, trị giá 45 tỷ USD cho tổ chức này. Do đó đã xuất hiện nhiều thông tin rằng hành động “gây sốc” của CEO này là nhằm “che đậy” nỗ lực trốn thuế với khối tài sản khổng lồ.
Ông chủ Facebook ngày 5/12 đã nói rõ nếu thực sự muốn trốn thuế, anh đã thành lập một quỹ từ thiện theo mô thức truyền thống chứ không phải thành lập một công ty TNHH như đã công bố.
Sự khác biệt ở đây là với việc thành lập một công ty, vợ chồng Mark sẽ không nhận được các ưu đãi miễn trừ thuế, họ chỉ có thể được hưởng những ưu đãi này trong trường hợp công ty quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, việc thành lập công ty TNHH của vợ chồng Mark cũng đem lại những lợi ích cụ thể về thuế và pháp lý.
Ví dụ như trong trường hợp xảy ra kiện tụng, tài sản riêng của hai vợ chồng Mark sẽ không bị liên đới.
Điều quan trọng là hai vợ chồng Mark nắm được quyền kiểm soát nhiều hơn nếu thành lập một công ty TNHH thay vì một tổ chức từ thiện theo quy cách truyền thống: Họ không phải chi tiêu 5% giá trị tài sản của tổ chức hàng năm theo yêu cầu đặt ra với các quỹ từ thiện và có thể sử dụng khoản tiền đó để hỗ trợ các chính trị gia hay các chính sách cụ thể.
Họ cũng có thể dùng tiền ấy đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hứa hẹn tiềm năng, hiến tặng các tổ chức phi lợi nhuận và không bị hạn chế trong việc đóng góp nguồn lực cho các tổ chức khác. Việc này theo ông chủ Facebook là cách để “có được sự linh hoạt trong việc vận hành sứ mệnh của mình hiệu quả hơn.”