Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất với một tờ báo Nhật Bản, ông Miura đã chỉ ra hàng loạt điểm yếu của bóng đá Việt Nam. Đầu tiên là việc các cầu thủ thường thua thiệt trong những pha tranh chấp tay đôi và xuống sức ở giai đoạn cuối trận. Đây là lý do khiến đội bóng thường thua vào những phút cuối và khó thành công khi giải đấu kéo dài. Cũng chính vì điều này mà ông Miura có xu hướng chọn những cầu thủ có thể hình, thể lực và khả năng tranh chấp bóng. Đồng thời, ông cũng tích cực cải thiện nền tảng thể lực cho các tuyển thủ bằng những bài tập nặng nhưng đa dạng.
Bên cạnh đó, cũng vì yếu thể lực, hoặc không được rèn luyện mà các cầu thủ Việt Nam không có tư duy hỗ trợ phòng ngự. Họ phó thác trách nhiệm đó cho hàng phòng ngự nên đội bóng liên tục đối diện với rủi ro. Điểm yếu thứ ba của bóng đá Việt Nam là các đội bóng không đa dạng trong đấu pháp. Họ chỉ đá với một phương án mà không có sự nghiên cứu để đưa ra những đấu pháp với từng trận đấu, từng đối thủ. Cũng chính vì điểm yếu này mà các đội bóng Việt Nam từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia thường không có thành tích cao ở đấu trường quốc tế.
Phát biểu của ông Miura thực ra không mới, nhưng nó xuất hiện giữa thời điểm giữa ông và một bộ phận dư luận đang bất hòa về đường hướng phát triển thì nó có sức công phá như một quả bom. Không hề ngạc nhiên khi người ta không chấp nhận những phản biện của ông Miura. Thậm chí, rất nhiều người cho rằng, đây chỉ là lời giải thích gượng gạo của nhà cầm quân người Nhật sau khi thất bại trong việc xây dựng một lối chơi mang bản sắc Việt Nam cũng như mang đến thành công vang dội cho đội tuyển.
Bây giờ, mọi phát biểu của ông Miura đều có nguy cơ bị một bộ phận dư luận vốn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho bầu Đức và HAGL chỉ trích. Nhưng, thay vì im lặng chịu trận, ông Miura đã thay đổi chiến thuật với quan niệm, chỉ có nói thật mới giúp được bóng đá Việt Nam và những học trò mà ông rất quý là Tuấn Anh, Công Phượng. Nhà cầm quân người Nhật đã thẳng thắn chỉ ra những rủi ro mà Công Phượng, Tuấn Anh sẽ phải đối diện khi sang J.League thi đấu. Với một nền tảng thể lực hạn chế, những cầu thủ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung rất khó thành công khi sang Nhật chơi bóng.
Ông Miura kiên định với quan điểm và hướng đi của mình. Rất có thể vì nó mà ông khó bảo vệ được chiếc ghế của mình. Thế nhưng, nếu biết gạt bỏ sự tự ái, coi những lời góp ý khó nghe đó là cơ hội để thay đổi thì bóng đá Việt Nam cũng có cho mình bài học kinh nghiệm để thành công. Bởi, sự bảo thủ và tự cao của nền bóng đá sẽ không mang đến động lực để thay đổi. Nói cho cùng, bóng đá là cuộc đua giữa những kẻ mạnh, nên nếu luôn tự đặt mình làm trường hợp đặc biệt thì rất khó để bóng đá Việt Nam thực sự tiệm cận được với những đấu trường đỉnh cao. Và ông Miura có thể đi, nhưng người mới đến cũng khó lòng mang lại thành công nếu bản thân chúng ta không thay đổi để hoàn thiện chính mình.