Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Miura vẫn chắc ghế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia, đã có người đặt vấn đề về tương...

Kinhtedothi - Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia, đã có người đặt vấn đề về tương lai của ông Miura, người đã đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Thế nhưng, nếu đổ mọi lỗi lầm cho Miura thì thật không công bằng và càng sai lầm nếu sa thải nhà cầm quân này.

Quân thua chém tướng

Trước đây, bóng đá Việt Nam thường có lối ứng xử quen thuộc với mỗi thất bại, đó là sa thải HLV. Quân thua thì chém tướng, câu nói ấy được các nhà lãnh đạo nền bóng đá sử dụng một cách thành thục và hiệu quả nhằm tìm ra một kẻ phải chịu trách nhiệm cho thất bại của đội bóng. Thậm chí, có lúc vì đội bóng thua mà người ta đã phải sa thải một người vốn chẳng mấy liên quan đến chuyện chuyên môn, đó là Tổng Thư ký VFF.
Ông Miura vẫn chắc ghế - Ảnh 1
Không đi vào bản chất, cố gắng có những quyết định nhằm làm đẹp lòng dư luận, hoặc chĩa mũi dùi dư luận đi theo một hướng có lợi cho các nhà lãnh đạo là cách làm vô cùng quen thuộc, dù nó ấu trĩ, thiếu bản chất. Nhưng thây kệ, để bảo vệ cái ghế của mình thì người ta cần phải có một kẻ dám hy sinh, hoặc bị thí tốt.

Vậy nên, khi đội tuyển Việt Nam thua sốc, khiến những người yêu mến đi từ tột đỉnh hạnh phúc xuống vực thẳm khổ đau thì đã có người đặt vấn đề, phải chăng ông Miura sẽ phải "lên đường" như những người tiền nhiệm. Nếu cái ghế của ông Miura bị đổ sau thất bại của tuyển Việt Nam thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn. Dư luận có thể sôi lên một thời gian nhưng sau đó, mọi việc đâu sẽ vào đó. Ông Miura sẽ mang nỗi đắng cay về nước và bóng đá Việt Nam lại hồ hởi đón một ông thầy mới với một hy vọng mới.

Hãy quên tư duy cũ đi

Thế nhưng, với trường hợp của Miura thì mọi chuyện đã khác đi rất nhiều. Hay nói đúng hơn, với quan điểm bóng đá của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch mới của VFF thì cách thí tốt sẽ không được sử dụng. Trước khi AFF Cup khai cuộc, ông Dũng đã khẳng định chắc nịch, "kể cả đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng thì HLV Miura vẫn sẽ làm việc đủ 3 năm tại Việt Nam".

Sau thất bại ê chề trước Malaysia, nhiều người hỏi ông Dũng trong lúc đau khổ nhất có thay đổi quan điểm quản lý  hay không thì vị Chủ tịch VFF tiếp tục khẳng định: "Không ai được bàn về tương lai của Miura. Bóng đá Việt Nam còn nhiều kế hoạch tham vọng với nhà cầm quân này".

Rất mừng là giữa lúc sống trong nỗi thất vọng, hoài nghi về việc có hay không những kẻ phản bội đội bóng thì VFF cũng không thay đổi quan điểm với người chịu trách nhiệm chính, ông Miura. Đó là cách hành xử rất cần có của một nền bóng đá đang tìm mọi cách lên chuyên nghiệp. Bởi, giữa lúc buồn nhất thì bóng đá Việt Nam cần có được cái đầu lạnh để xét đoán mọi chuyện đang diễn ra. Đâu là nguyên nhân chính của thất bại và cần phải làm gì để bước tiếp chứ không phải ngay tức thì xóa đi một bàn cờ.

Thay ông Miura không khó, nhưng đánh giá đúng những gì đang diễn ra mới là vấn đề bức thiết nhất lúc này. Giới chuyên môn cho rằng, Miura không có lỗi trong thất bại của đội tuyển Việt Nam. Ông thậm chí đã làm được rất nhiều điều, đặc biệt là mang đến một tư duy, một triết lý bóng đá rất mới đến với Việt Nam. Khi cầm quân, HLV Miura luôn đề cao sự công bằng và lúc này, cần phải công bằng khi đánh giá về ông, dù chúng ta đang thất vọng tràn trề.