KTĐT - EVN vẫn giữ nguyên quan điểm rằng "chưa có cơ sở để giảm giá". Ngoài việc than vãn chuyện bảo hành, bảo trì cột điện tốn kém, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao.
Buổi thương thảo giá thuê cột điện giữa các hãng viễn thông và ông nhà đèn EVN tiếp tục đi vào ngõ cụt, dù sáng 26/1 đích thân đại diện 3 Bộ Tài chính - Công Thương, Thông tin và Truyền thông đứng ra làm đồng trọng tài.
Mỗi doanh nghiệp một ý và đều có lý nên giá thuê cột bị cho là quá cao song nhà mạng lại chưa có cơ sở nào để chứng minh để phía EVN "tâm phục khẩu phục" và "gật cái đầu" đồng ý giảm giá. Thành thử, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục về "ngẫm nghĩ", tự thương thảo giá thuê sao cho các bên đều có lợi. Dự kiến cuối quý II, đầu quý III năm nay, Liên bộ Thông tin và Truyền thông - Công Thương sẽ ban hành quy định hướng dẫn về dùng chung cơ sở hạ tầng. Đây được coi là cơ sở để chấm dứt những tranh cãi liên quan đến việc thuê, mượn và dùng chung hạ tầng viễn thông nói chung chứ không chỉ là chuyện cột kèo.
Cuộc họp về giá thuê cột điện sáng nay giữa đại diện 3 Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông với Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) bị cho là tiếp tục đi vào bế tắc và chưa đạt được kết quả như mong đợi.
EVN vẫn giữ nguyên quan điểm rằng "chưa có cơ sở để giảm giá". Ngoài việc than vãn chuyện bảo hành, bảo trì cột điện tốn kém, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao. EVN còn nêu thực tế việc các hãng viễn thông treo cáp không theo quy định, thiếu quy chuẩn gây mất an toàn điện lưới, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Phía EVN cũng dẫn chứng về những vụ tai nạn thương tâm xảy ra do cáp viễn thông rủ xuống làm thòng lọng "treo cổ" người qua đường. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng ban Công nghệ thông tin và Viễn thông - EVN, than vãn với báo giới: "Trong lần dọn dẹp cáp cách đây vài tháng tại TP HCM, có tới 60% cáp tín hiệu treo trên cột điện của chúng tôi là vô chủ học hỏng nát đang đeo bám trên đó".
Chia sẻ với những cái khó mà ngành điện đưa ra, song phía VNPT cũng giữ bảo lưu cách tính của mình rằng bảng giá thuê cột mà EVN đưa ra là quá cao, đột biến. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở một số khu vực mà VNPT không được phép xây cột, phải sử dụng hạ tầng của EVN. Trong khi đó, EVN và VNPT vốn có truyền thống hợp tác lâu năm và chung sống khá hòa bình trong việc chia sẻ kết nối khi mạng viễn thông EVN Telecom của nhà đèn gặp khốn khó giai đoạn đầu.
Trao đổi với báo giới sau cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Phạm Hồng Hải, nhìn nhận: "Các bộ chưa thể can thiệp được vì cái lý của doanh nghiệp nào cũng đúng”.
Hiện nay, Bộ Tài chính chưa xếp cột điện vào diện Nhà nước quản lý và quy định về giá cho thuê. Theo đó, giá thành được xây dựng trên cơ sở các bên tự thỏa thuận và hiệp thương. Trong khi đó lâu nay, trong lĩnh vực viễn thông, cột điện lại là hạ tầng sử dụng chung giữa các doanh nghiệp. Do vậy, ông Hải cho biết trong cuộc họp sáng nay, 3 bộ đã thống nhất giải pháp trước mắt là nhà đèn và nhà mạng tiếp tục "ngồi lại với nhau" để thỏa thuận. Hạn cuối là ngày 28/2, các doanh nghiệp không tự thỏa thuận được, các Bộ sẽ vào cuộc để xác định giá thuê.
Còn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Lê Doãn Hợp thì nhấn mạnh theo định hướng phát triển ngành viễn thông, thông tin quốc gia là dùng chung và khuyến khích dùng chung hạ tầng viễn thông, đặc biệt là việc ngầm hóa cáp viễn thông, thông tin. Trong đó, tại những khu vực không cấp phép mới để dựng cột thì buộc phải dùng chung, những nơi được cấp phép thì các doanh nghiệp có thể tự xây dựng hạ tầng riêng cho mình.
Giới chuyên gia nhìn nhận nhìn vào tình cảnh "mỗi doanh nghiệp một ý kiến" như hiện nay thì cuộc tranh cãi về giá thuê cột điện vẫn là câu chuyện chưa thể có hồi kết, trừ khi cơ quan chức năng áp đặt mệnh lệnh hành chính.