Ông Trump đồng ý thỏa thuận thương mại hạn chế với Trung Quốc trước giờ G

Nguyễn Phương (Theo WSJ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thỏa thuận thương mại được thống nhất về mặt nguyên tắc sẽ ngăn chặn đợt thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc và cắt giảm 50% mức thuế hiện tại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với một thỏa thuận thương mại hạn chế với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ giảm thuế suất hiện tại đối với hàng hóa Trung Quốc và hủy bỏ các loại thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12, để đổi lại việc Trung Quốc mua hàng nông sản Mỹ và có thêm những nhượng bộ khác, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với một thỏa thuận thương mại hạn chế với Trung Quốc.
Nguồn tin này cho biết, Tổng thống Trump hôm 12/12 đã có cuộc gặp kéo dài 1 giờ với các cố vấn thương mại hàng đầu để thảo luận về thời điểm hạn chót cho việc tiến hành áp thuế đối với 156 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter ngày 12/12, ông Trump bày tỏ sự lạc quan đối với thỏa thuận thương mại với Trung Quốc khi cho biết: "Đang tiến rất gần tới thỏa thuận lớn với Trung Quốc. Họ muốn điều này và chúng tôi cũng vậy!".
Nguồn tin thân cận về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cho biết: "Thỏa thuận bằng văn bản vẫn đang được xây dựng, nhưng họ đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc”.
Nguồn tin cho biết các cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ trong ngày 12/12 đã đệ trình lên ông Trump bản thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, trong đó bao gồm cam kết của Trung Quốc trong việc mua thêm nông sản Mỹ.
Tờ Tạp chí Phố Wall hôm 12/12 đưa tin trong nỗ lực bảo đảm thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", các nhà đàm phán Mỹ đề nghị cắt giảm thuế quan hiện hành đối với 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc tới 50% và đình chỉ các mức thuế mới lên 156 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12.
Washington và Bắc Kinh đang cố gắng đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ nhằm hạ nhiệt cuộc thương chiến kéo dài hơn 17 tháng qua. Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một số “đòn” thuế quan mà Mỹ đã áp đặt trước đó và hủy kế hoạch đánh thuế mới vào ngày 15/12. Nếu đợt áp thuế này có hiệu lực, thì về cơ bản toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ mỗi năm đều phải chịu các mức thuế trừng phạt.
Về phần mình, Washington yêu cầu Bắc Kinh mua thêm nông sản Mỹ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cho các công ty Mỹ tiếp cận sâu thị trường tài chính Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn yêu cầu một quy trình thực thi nhằm đảm bảo Trung Quốc thực hiện những cam kết trong thỏa thuận.
Nếu hai bên thống nhất trên văn bản, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Đại sứ Trung Quốc Cui Tiankai dự kiến ​​sẽ ký ít nhất các phác thảo của một thỏa thuận trong ngày 13/12, một nguồn tin khác quen thuộc với vấn đề này tiết lộ.
Michael Pillsbury - Cố vấn của Tổng thống Mỹ, hôm 12/12 cho biết nếu Bắc Kinh không thực hiện các cam kết mua nông sản Mỹ, mức thuế suất ban đầu sẽ được tính lại.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 10.
Thỏa thuận thương mại hạn chế giữa hai cường quốc kinh tế thế giới được dự báo sẽ giúp hồi sinh xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc. Doanh số mặt hàng này giảm mạnh trong một năm rưỡi qua, khi Trung Quốc trả đũa thuế quan của Mỹ bằng cách tạm dừng mua nông sản Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu nông sản của nước này đã sụt mạnh từ mức 25 tỷ USD đạt được trong những năm gần đây xuống còn gần 7 tỷ USD trong 12 tháng qua tính đến tháng 5.
Tranh chấp thương mại kéo dài gần 18 tháng qua đã làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Về tác động của cuộc chiến thương mại, giới quan sát cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều dẫn trước trên một số "mặt trận kinh tế" nhưng nhìn chung, lợi thế đang nghiêng về phía Mỹ. Thâm hụt thương mại giữa hai nước đã thu hẹp trong vài tháng gần đây.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần