Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trương Đình Tuyển: “Nắm bắt cơ hội, đương đầu với thách thức”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Trương Đình Tuyển, khi TPP có hiệu lực chắc chắn các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam sẽ là chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, là lực lượng xét đến cùng thể hiện sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Ngày 5/11, Hội doanh nhân tiêu biểu Hồng Lam TP Hà Nội đã tổ chức cuộc nói chuyện với ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp cho đoàn Việt Nam đàm phán TPP về những những nội dung cơ bản trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vừa được tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán cách đây ít lâu.
Ông Trương Đình Tuyển (Ảnh: Internet)
Ông Trương Đình Tuyển (Ảnh: Internet)
Tại cuộc nói chuyện, ông Trương Đình Tuyển đã chia sẻ về những cơ hội, thách thức của TPP đối với DN Việt Nam. Ông khẳng định "Cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh trên thị trường, còn thách thức chúng ta vượt qua đến đâu thì tùy thuộc vào năng lực của chúng ta, nếu không cẩn thận chúng ta sẽ bị vỡ mộng". Ông cũng cho rằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định để các DN tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. 

Chỉ số cạnh tranh toàn cầu và môi trường kinh doanh của Việt Nam ở mức thấp và đang là vùng trũng trong ASEAN. Trong năng lực cạnh tranh có năng lực cạnh tranh vĩ mô và năng lực cạnh tranh vi mô. Năng lực cạnh tranh vĩ mô yếu tố quyết định (tuy không phải là tất cả) là nhà nước. 

Theo báo cáo “Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015-2016” do WEF công bố, chỉ số “Cạnh tranh về thể chế”- một yếu tố của cạnh tranh vĩ mô, Việt Nam xếp thứ 92 trong số 140 nước được xếp hạng và đứng thứ 8 trong 10 nước ASEAN (thấp hơn các nước ASEN-6 và thấp hơn cả Lào). 

Cũng theo báo cáo này, các chỉ số mà DN có vai trò gần như quyết định đến khả năng cạnh tranh vi mô, Việt Nam có thứ hạng rất thấp. Theo đó, sự sẵn sàng về công nghệ, xếp thứ 99 hơn Lào và Campchia; trong kinh doanh xếp thứ 106, hơn Campuchia (thua Lào), đổi mới sáng tạo xếp thứ 87, hơn Campuchia (thua Lào); về môi trường kinh doanh, theo đánh giá của WB, năm 2015 lại bị tụt hạng so với năm 2014 và xếp thứ 78, tụt 6 bậc.

Trước những vướng mắc mà các doanh nhân quan tâm về việc cần làm gì để chuẩn bị cho Hiệp định TPP khi bắt đầu thực hiện tại Việt Nam nhằm tạo những lợi thế cạnh tranh nhất có thể, ông Tuyển cho rằng: Các lãnh đạo DN cần khai thác quy tắc xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi thuế quan. Doanh nhiệp cần nắm vững các quy định này trong hiệp định để thực hiện cho đúng. Đồng thời phải kinh doanh trung thực để được đưa vào danh sách được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhằm tiết kiệm thời gia và chi phí, phối hợp tác với cơ quan nhà nước và đối tác trong các cuộc kiểm tra về xuất xứ.

Đặc biệt, DN phải nhanh chóng có những giải pháp tổng thể, tái cơ cấu DN, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nâng cao sức cạnh tranh. “Không phải chỉ khi khủng hoảng mới phải tái cơ cấu DN. Tái cơ cấu DN phải được thực hiện khi khả năng cạnh tranh bị suy giảm và sự thay đổi của thị tường (biểu hiện cụ thể) là thị phần bị thu hẹp” ông Tuyển nhấn mạnh.