Sau khi giảm 2 phiên liên tiếp, giá “vàng đen” quay đầu tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/12 sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1/2019, nhờ đó làm dịu bớt những lo ngại về tình trạng dư cung và giúp giá dầu nhích hơn 3% trong tuần qua.
Trong 2 ngày 3 và 4/12, giá dầu mỏ leo dốc do mối lo về xung đột thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt sau khi 2 nước đạt thỏa thuận tạm thời “đình chiến” sau cuộc gặp tại Argentina cuối tuần trước và kỳ vọng OPEC và Nga đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Ngoài ra, việc chính quyền tỉnh Alberta của Canada thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 325.000 thùng/ngày để giảm bớt tình trạng dư cung cũng góp phần hỗ trợ giá dầu thế giới.
Trong những tháng gần đây, giá dầu thô của tỉnh Alberta đã giảm mạnh so với loại dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ, trong bối cảnh các kho dự trữ tại Canada tăng mạnh khi sản lượng vượt xa công suất vận chuyển của hệ thống đường ống dẫn dầu.
Tuy nhiên, đà tăng giá bị chặn lại trong phiên ngày 6/12 do OPEC kết thúc ngày họp đầu tiên mới nhất trí sẽ hạn chế sản xuất, song chưa đưa có quyết định về cắt giảm sản lượng dầu mỏ, khiến tâm lý thận trọng của giới đầu tư tăng trở lại.
Bên cạnh đó, mối lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu vẫn đang đe dọa thị trường khi Mỹ trong tuần trước đã trở thành nhà xuất khẩu và tinh chế ròng dầu thô lần đầu tiên kể từ năm 1973, với mức sản lượng dầu cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.
Sang phiên giao dịch ngày 7/12, giá dầu phục hồi ấn tượng nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới đạt được giữa OPEC và các nước đồng minh.
Kết thúc phiên họp về chính sách kiểm soát giá dầu cùng ngày, các nước thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2019.
Lãnh đạo OPEC thông báo sẽ cắt giảm tổng sản lượng của các thành viên khoảng 800.000 thùng/ngày theo mức sản lượng tháng 10/2018 trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2019. Trong khi đó, các nước không phải thành viên OPEC đề xuất cắt giảm 400.000 thùng/ngày.
Cũng trong ngày 7/12, Iran cũng đã "bật đèn xanh" cho việc giảm sản lượng dầu vào khoảng 800.000 thùng/ngày từ năm 2019, sau khi đạt được thỏa thuận với Ả Rập Saudi về khả năng miễn trừ khỏi kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Chốt phiên ngày 7/12, giá dầu ngọt nhẹ WTI tiến 1,12 USD (tương đương 2,2%) lên 52,61 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức tăng trong tuần lên 3,3%.
Giá dầu Brent cũng tăng 1,61 USD (tương đương 2,7%) lên 61,67 USD/thùng. Tuần qua, giá mặt hàng dầu này đã tăng vọt 3,7%.
Ông Matt Badiali - chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại Banyan Hill Research, nói với MarketWatch hôm 7/12 rằng thị trường dầu vẫn chưa định giá bất kỳ quyết định cắt giảm sản lượng nào.
“Có một lượng lớn dầu dư thừa trong tháng 11, do sự gia tăng sản lượng lớn của Nga, Mỹ và Ả Rập Saudi trong bối cảnh sản xuất dầu của Iran sụt giảm. Khi dầu mỏ của Iran không được đưa khỏi thị trường, chúng ta chứng kiến cơn sóng biến động từ dầu. Các yếu tố này cùng triển vọng ảm đạm về tăng trưởng toàn cầu, đã khiến giá dầu lao dốc. Giá dầu thô ngày càng trượt sâu”, ông Badiali cho biết.
Giá dầu đã trượt dốc hơn 30% vào cuối tháng 11, sau khi leo lên mức cao nhất của nhiều năm vào hồi đầu tháng 10/2018.
Chuyên gia Badiali cũng dự báo rằng nguồn cung sẽ được rút bớt khỏi thị trường và giá dầu sẽ tăng 20% từ các mức "đáy" trong 1 hoặc 2 tuần tới. Bên cạnh đó, báo cáo cùng ngày từ Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cũng cho thấy sự sụt giảm sản lượng trong tương lai. Cụ thể, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 10 giàn, xuống 877 giàn trong tuần, qua đó càng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá dầu.