KTĐT - Tối 3/11, 10 bộ sưu tập của các nhà thiết kế Pháp - Việt được trình diễn trên một sân khấu đơn giản đến mức đặc biệt, tiết giảm tối đa ánh sáng, vai trò người mẫu bị "làm nhòe", để chỉ tôn vinh một thứ duy nhất: trang phục.
Trước ngày công diễn, đêm thời trang Pháp - Việt mang tên "Paris - Hà Nội" đã gây tò mò vì được trình diễn ở một nơi vốn không dành cho thời trang thuần túy: Nhà hát Lớn Hà Nội. Không nhiều thông tin rào đón, chẳng có chi tiết hậu trường nào được tiết lộ, khán giả đến với đêm diễn bằng tâm thế bình an, không hồi hộp, không kỳ vọng, "có gì xem nấy".
Và những gì diễn ra trong 90 phút của chương trình, sau bài phát biểu chào mừng rất... dài của lãnh đạo hai thành phố là một đêm thời trang giản đơn nhưng rất tinh tế, thu hút khán giả hoàn toàn bằng những đường nét cắt cúp, những sắc màu trên trang phục. Ở đó không có chỗ cho các vedette. Người mẫu đều che kín mặt mũi tay chân. Nhiều lúc, họ chỉ còn là những ma-nơ-canh ra vào theo sự bưng bê, sắp đặt của người khác. Ở đó không có sàn chữ T như trong các show thời trang thông thường. Trong một số màn, "catwalk" được tạo nên bởi những dải ánh sáng, và các mẫu sải bước trên đó.
Áo dài cho trẻ em của Sỹ Hoàng.
Tham gia chương trình có bốn nhà thiết kế nổi tiếng của Pháp là Ambrym, Charabia, Christophe Josse và Dormeuil, cùng với năm nhà tạo mẫu hàng đầu Việt Nam là DMC Đỗ Mạnh Cường, Hoàng Hải Elie, Kelly Bùi, Lê Hà và Sỹ Hoàng. Tên họ không được giới thiệu ở đầu và cuối mỗi bộ sưu tập, nhưng khán giả nhận ra họ qua chính những trang phục do họ thiết kế. Charabia và Sỹ Hoàng may váy và áo dài cho các cô bé tuổi teen. Dormeuil chuyên thời trang cho đàn ông. Lê Hà giới thiệu những trang phục phá cách dành cho nữ. Hoàng Hải Elie, Christophe Josse gây choáng ngợp bởi những bộ đầm dạ hội lộng lẫy, thướt tha tung theo từng bước chân. Đỗ Mạnh Cường, Kelly Bùi phát huy trí tưởng tượng trên màu trắng tinh khiết, tạo nên những thiết kế ấn tượng, độc đáo.
Người đạo diễn toàn bộ vở kịch múa này là Franny de Chaillé, trên nền nhạc của Christophe Chassol. Nữ đạo diễn quan niệm, từ người mẫu được dùng để chỉ người trình diễn, hình dáng mà trên đó người thợ may sáng tạo và là vật thể được trưng bày trên tủ kính. Từ quan điểm đó, de Chaillé tạo nên một vở kịch bóng, nơi toàn bộ vũ công và người mẫu mặc trang phục màu đen, là những hình bóng cử động. "Trang phục họ đang mặc làm họ xuất hiện, làm cho các cơ thể hòa theo một nhịp, làm cho trang phục được thấy rõ, thành chủ đề của buổi trình diễn thời trang", nữ đạo diễn nói về ý tưởng thực hiện của mình.