Sau khi Tòa PCA tại La Hay (Hà Lan) hôm 12/7 ra phán quyết “Đường chín đoạn” là không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử” tại Biển Đông, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền tổng lực với nhiều tuyên bố ngang ngược về chủ quyền ở Biển Đông. Việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa PCA đã đi ngược lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, của các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp quốc, Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và của lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật,...
Theo Tiến sĩ Malcolm Cook, thuộc Viện nghiên cứu Yusof Ishak (trước đây là Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) ở Singapore, Trung Quốc có thể “không đủ sức” làm bá chủ cả khu vực và rằng, việc “độc chiếm Biển Đông” sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của chính nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải chịu áp lực từ các bên liên quan khác có tranh chấp ở Biển Đông, và đối mặt với các vụ kiện tương tự. Vừa qua, tạp chí nghiên cứu Eurasia (Mỹ) cũng đã đưa ra nhận định, việc Trung Quốc đi ngược với phán quyết của Tòa trọng tài PCA, đồng nghĩa nước này đang tạo tiền lệ coi thường cơ chế trọng tài quốc tế. Và như vậy, trong trường hợp các nước vay tiền của AIIB rất có thể viện đủ lý do chỉ nhằm trì hoãn trả nợ, đến lúc đó Trung Quốc khó mà cầu viện các cơ chế quốc tế. Đồng thời các nước có ý định vay tiền của AIIB nên tính đến rủi ro khi một ngày nào đó Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền ở những nơi cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng tiền vay của AIIB sau sự kiện “Đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, những nước nằm trong khu vực Biển Đông có thể bị thiệt hại khoảng 5.000 tỷ USD giá trị hàng hóa vận chuyển thông thương qua các tuyến hàng hải mỗi năm. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến quyết tâm chống lại yêu sách đòi chủ quyền vô lý của Trung Quốc từ các nước trong khu vực cũng như các quốc gia có hàng hóa qua lại khu vực này. Bởi các nước sẽ không cho phép một quốc gia nào đứng ra “bảo kê” toàn bộ “món hời” Biển Đông... Ở phiên giao dịch ngày 19/7, Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ ở mức 6,6971 Nhân dân tệ đổi 1 USD, giảm 0,01%. Theo nhiều chuyên gia, việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm có lợi trong việc tiêu thụ hàng hóa của nước này tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc hàng hóa Trung Quốc có tiếng “hàng giả, nhái và kém chất lượng” từ xưa đi kèm với tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông sẽ càng khiến hàng hóa nước này bị các nước khu vực Đông Nam Á, châu Á tẩy chay.
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng sau phán quyết của PCA. |