Tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi chỉ số này tiếp tục nhích dần lên, tuy nhiên với nhiều lợi thế, không ít những mong đợi từ cộng đồng DN thì sự chuyển biến này có vẻ nhích hơi chậm, rất đáng để tâm suy nghĩ.
Không còn những lời bao biện, xem nhẹ thậm chí phủ nhận, việc công bố chỉ số PCI sau 11 năm thực hiện đã là tấm gương để qua đó từng địa phương nhìn vào để rút kinh nghiệm đánh giá cái được và chưa được của địa phương mình để phấn đấu vươn lên. Đơn cử việc tiếp tục là địa phương đứng ở vị trí đầu, sự ổn định của Đà Nẵng có dấu ấn không nhỏ từ đội ngũ lãnh đạo TP. Mặc dù lãnh đạo TP có những sự thay đổi nhưng sự tiếp nối và quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh luôn được TP quan tâm. Hay như trường hợp của Lào Cai, tuy là tỉnh miền núi nghèo và khó khăn nhưng họ luôn đứng trong Top 5. Mặc dù có những thời điểm tụt xuống thảm hại, thậm chí có năm đứng thứ 17 nhưng sau khi thấy được sai lầm do chủ quan, thiếu đốc thúc của người đứng đầu, Lào Cai tiếp tục quay trở lại Top 5 (năm 2014: thứ 3; năm 2015: thứ 5). Với Quảng Ninh, họ có tiềm năng hơn so với nhiều địa phương. Song, nếu lấy mốc 2011, họ đứng ở vị trí thứ 3, nhưng 2012 lại bị lùi xuống thứ 20. Vậy là một cuộc "cách mạng" đã nổ ra. Họ cải tổ lại về thủ tục hành chính, tiếp theo là công khai thi tuyển công chức và thí điểm nhất thể hóa… đã đưa PCI của Quảng Ninh quay trở lại vững chắc, đúng tầm của họ: Năm 2013: thứ 4; năm 2014: thứ 5 và năm 2015: thứ 3.
Nêu mấy ví dụ trên là để thấy vai trò của người đứng đầu địa phương trong cuộc đua PCI hàng năm quan trọng thế nào? Là những đầu tàu kinh tế phía Bắc và phía Nam, mặc dù PCI năm 2015 ghi nhận sự nỗ lực của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trong phát triển kinh tế nhưng chắc chắn đó không phải là những kết quả mà lãnh đạo hai TP này hài lòng trước cộng đồng DN. Trong khi người đứng đầu TP Hồ Chí Minh mong muốn biến TP Hồ Chí Minh trở lại là “Hòn ngọc Viễn Đông” như đã từng được đánh giá trước đây thì Hà Nội đang có rất nhiều lợi thế không chỉ về nguồn lực, vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ… mà còn có Luật Thủ đô (kể từ 2012), là đòn bẩy cho TP phát triển thuận lợi hơn.
Với kết quả PCI như trên của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhất là đối với các vị lãnh đạo hai TP. Tuy nhiên, có thể tin rằng trong nhiệm kỳ này, khi các nhà lãnh đạo hai TP lớn đều rất trẻ (so với vài nhiệm kỳ gần đây) họ sẽ không thể hài lòng với những gì TP mình đang có. Họ sẽ mạnh mẽ đổi mới hơn. Đây là điều hoàn toàn có căn cứ.