Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Petrolimex kêu lỗ gần 1.500 đồng/lít xăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nếu tính cả 300 đồng tiền lãi định mức, mỗi lít xăng A92 Petrolimex đang lỗ gần 1.500 đồng, chưa bao gồm một số khoản chi phí khác.

KTĐT - Nếu tính cả 300 đồng tiền lãi định mức, mỗi lít xăng A92 Petrolimex đang lỗ gần 1.500 đồng, chưa bao gồm một số khoản chi phí khác.

Nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất VN - Petrolimex vừa thông báo, tính đến chiều qua, mỗi lít xăng bán lẻ hãng đang lỗ gần 1.500 đồng, chưa bao gồm các khoản chi phí khác. Mặt hàng dầu cũng lỗ ở mức tương đương.

Bảng so sánh giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành vẫn được Petrolimex công bố đều đặt trên website của mình theo đúng quy định. Công thức không thay đổi nhưng khoản lỗ cho mỗi lít xăng dầu cũng đều đặn được cộng thêm lên.

Lãnh đạo Petrolimex than thở: "Chúng tôi đang kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn. Giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp lỗ rất lớn. Chúng tôi nghĩ cơ quan quản lý hiểu, người tiêu dùng cũng biết nhưng thú thực Petrolimex chỉ biết chờ động thái từ cơ quan chức năng chứ không dám đề cập đến việc điều chỉnh giá bán...".

Theo vị lãnh đạo này, trong kịch bản điều hành giá bán lẻ xăng dầu có đề cập đến nhiều các công cụ đối phó với biến động của giá thế giới như thuế, phí, quỹ bình ổn, bên cạnh việc điều chỉnh giá. "Vấn đề là cơ quan chức năng sẽ lựa chọn giải pháp nào và thời điểm nào sẽ áp dụng", vị lãnh đạo này nói thêm.

Petrolimex cho biết trong vòng 30 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm chào bán tại thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các doanh nghiệp Việt đang đứng ở mức rất cao với 87,79 USD một thùng. Các mặt hàng dầu dao động quanh ngưỡng 93,7-94,4 USD một thùng. Với giá nhập khẩu này, sau khi cộng các khoản phí, thuế, chênh lệch tỷ giá, khoản trích quỹ bình ổn… giá mỗi lít xăng A92 về thị trường vào khoảng 17.894 đồng, trong khi giá bán lẻ hiện hành là 16.400 đồng.

Như vậy, nếu tính cả 300 đồng tiền lãi định mức, mỗi lít xăng A92 Petrolimex đang lỗ gần 1.500 đồng, chưa bao gồm một số khoản chi phí khác. Tương tự, đối với mặt hàng dầu diezel, khoản lỗ này vào khoảng gần 1.200 đồng, dầu hỏa lỗ gần 1.600 đồng mỗi lít...

Đại diện một hãng phân phối xăng dầu khác cũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào cũng lỗ. Tuy nhiên, với doanh nghiệp lớn, khoản lỗ chỉ ở ngưỡng trên dưới 1.500 đồng, còn các đơn vị nhỏ, chi phí cao, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, khoản lỗ này sẽ cao hơn. Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp không được đóng cửa, bất kể kinh doanh lãi hay lỗ...

Ngoài việc giá thế giới tăng cao, các doanh nghiệp xăng dầu cũng gặp sức ép về ngoại tệ, đồng đôla khan hiếm, giá lên xuống thất thường. Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp đầu mối đều cho biết họ chưa dám xin tăng giá vì sợ người tiêu dùng phản ứng.

Trao đổi với báo chí, một thành viên trong Tổ điều hành giá xăng dầu khẳng định cơ quan chức năng luôn bám sát diễn biến của thị trường thế giới. Chuyện doanh nghiệp lỗ là có thật nên trước đó Bộ Tài chính đã chủ động cho phép doanh nghiệp được dùng một phần quỹ bình ổn để bù lỗ. Trong các kịch bản điều hành giá xăng dầu mà Chính phủ cho phép có tính đến các công cụ như thuế, phí, quỹ bình ổn và cả điều chỉnh giá. Thời điểm và công cụ nào sẽ được sử dụng theo ông này là còn phải cân nhắc nhiều.

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã 2 lần tăng giá. Lần gần đây nhất được thực hiện vào ngày 9/8, giá xăng A92 điều chỉnh từ mức 15.990 đồng lên 16.400 đồng một lít.