Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phá án từ tàng thư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm, họ là những chiến sĩ không trực tiếp đối đầu với những tên tội phạm nguy hiểm, mà công việc chủ yếu là lưu trữ những con số, dòng chữ, dấu vết, bức hình… vô tri, vô giác.

Thế nhưng, bằng sự tận tụy, nhiệt huyết của mình, các chiến sĩ đã khiến những trang hồ sơ “biết nói” để giúp lực lượng cảnh sát tra cứu, xác định chính xác tên, tuổi và đặc điểm nhân dạng các nghi can, phá hàng ngàn vụ án. Họ chính là lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát - HSNVCS (C53, Bộ Công an).

Công việc thầm lặng…

Là người tâm huyết, tận tụy với nghề và gần như cống hiến, gắn trọn đời mình với lực lượng HSNVCS, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục trưởng C53 cho biết: Từ những năm 1958, lực lượng HSNVCS đã bắt đầu tập hợp thông tin qua tư liệu kháng chiến, làm thủ công và sắp xếp theo từng mục. Và khi công nghệ nâng cấp cùng với sự phát triển của dân số và sự manh nha của các loại tội phạm khiến việc lưu trữ dữ liệu càng trở nên quan trọng. Năm 1975, trước khi giải phóng miền Nam, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Cục Hồ sơ đã kịp thời thu hồi, quản lý, thống kê và khai thác hồ sơ, tài liệu của Mỹ - ngụy, phân loại hồ sơ, nhằm phát hiện những đối tượng nguy hiểm còn lẩn trốn, ẩn náu, kể cả các băng cướp chuyên nghiệp, tội phạm hình sự nguy hiểm lộng hành dưới chính quyền cũ, góp phần quan trọng bảo vệ các thành quả cách mạng. Từ năm 1987, C53 được thành lập trên cơ sở chia tách từ Cục Hồ sơ. Hàng năm, lực lượng HSNVCS đã nghiên cứu phục vụ hàng triệu yêu cầu (trung bình 4 triệu yêu cầu/năm) phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chiến sĩ C53 luôn nỗ lực hết mình góp phần làm nên những chiến công xuất sắc.
Chiến sĩ C53 luôn nỗ lực hết mình góp phần làm nên những chiến công xuất sắc.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, công tác hồ sơ nghiệp vụ là công việc không hề đơn giản. Thực tế, việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cho khoa học, công tác phục vụ yêu cầu tra cứu nhiều khó khăn. Riêng “tàng thư” hồ sơ của chế độ cũ và hồ sơ hàng chục năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng vốn là những mẫu giấy đã quá cũ, chất liệu giấy nhiều trang xơ vữa, ố vàng theo dòng chảy thời gian và biến động thời tiết cần phải xử lý hóa chất, nên mỗi khi cần tra cứu, cán bộ chiến sĩ đơn vị phải mang khẩu trang để… phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp. Với những con số, con chữ, hình ảnh từ những trang hồ sơ là ẩn chứa cả hành trình dài sa vào “bóng tối” của nhiều đối tượng, trong đó có không ít những “anh chị” trong giới giang hồ cộm cán. Kho “tàng thư” căn cước tội phạm là cả một câu chuyện dài mà nhiều người khi nghe sẽ phải giật mình. Tại đây lưu giữ tất cả các dữ liệu của công dân trong cả nước. Bất kể lúc nào, khi các đơn vị nghiệp vụ trong cả nước cần tra cứu khẩn thông tin để phục vụ công tác điều tra, truy xét, đấu tranh phá án, các cán bộ, chiến sĩ C53 đều thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác.

Góp phần phá nhiều vụ án “khủng”

Từ những “tàng thư” căn cước tội phạm đã được bảo quản rất cẩn trọng, những người làm công tác hồ sơ nghiệp vụ đã góp phần lật tẩy hành tung nghi can. Một chiến công xuất sắc của C53 phải kể đến, đó là hỗ trợ phá án vụ giết người gây rúng động cả nước năm 1999 (vụ cướp của, giết 4 người tại tiệm vàng Kim Sinh, số 48 Tây Sơn, Hà Nội). Chỉ từ những dấu vết thu được tại hiện trường, C53 đã xác định chính xác thủ phạm là Nguyễn Minh Châu. Đồng thời, C53 cung cấp các quan hệ, địa chỉ nơi Châu có thể lẩn trốn để hỗ trợ đắc lực cho Công an Hà Nội phối hợp với công an các địa phương tổ chức mật phục tóm gọn tên sát nhân.

Trong vụ bắt giữ hung thủ máu lạnh đã gây ra vụ án mạng vào tháng 4/2011, tại phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội). Nạn nhân của vụ án là ông Nguyễn B. (SN 1953), sống độc thân, đã bị sát hại tại nhà riêng. Ông B. tử vong do bị tấn công bằng những nhát dao ác hiểm vào vùng đầu, cổ và gáy. Hung thủ gây án hầu như không để lại dấu vết tại hiện trường. Ông B. là người đồng tính, sống độc thân, khép kín, ít giao lưu quan hệ với mọi người chung quanh. Khi còn sống, nạn nhân có một số mối tình đồng giới, mà danh tính những người tình đồng giới luôn là một ẩn số. Đó chính là khó khăn và thách thức lớn trong công tác điều tra phá án, để trả lại công bằng cho phía bị hại và trấn an dư luận. Tuy nhiên, sự tỉ mỉ và thận trọng của lực lượng điều tra đã có kết quả bằng việc phát hiện được đôi giày mà ở đó còn lưu dấu vân tay của hung thủ. Ngay sau khi tiếp nhận dấu vết, các cán bộ, chiến sĩ của C53 tiến hành truy nguyên đã cho thấy chủ nhân dấu vân tay là Đàm Văn Tuyên (SN 1988, thôn Lọng Nghè, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã có một tiền sự. Khi lực lượng truy bắt tìm về quê Tuyên thì được biết đối tượng đã vắng nhà từ vài tháng trước. Bằng các nghiệp vụ sắc bén, kiên trì lần theo dấu vết, chỉ 3 ngày sau, các trinh sát đã bắt giữ được Tuyên, mặc dù lúc này hắn đã cạo đầu trọc lóc, mặc quần áo nâu sồng trong vai chú tiểu đi “chắp tác” tại một ngôi chùa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

Một trong những vụ việc đáng nhớ mà Cục trưởng C53 trực tiếp tham gia là điều tra vụ giết người, cướp tài sản, sát hại bác sĩ Phạm Thị Nguyệt (SN 1958, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) xảy ra vào tháng 6/2012 tại Phòng khám đa khoa khu vực thuộc tổ 6, phường Lào Cai (TP Lào Cai) gây xôn xao dư luận. Bất chấp mọi nỗ lực tìm kiếm của cơ quan điều tra, tung tích của hung thủ suốt thời gian dài vẫn là ẩn số. Sau gần một năm kiên trì, C53 đã phối hợp Công an Lào Cai rà soát, quét ảnh hàng trăm ngàn tờ khai; rút hơn 160.000 chỉ bản CMND nam giới, độ tuổi từ 16 - 43. Sau đó, C53 nhập cơ sở dữ liệu điện tử để tra cứu theo ảnh nghi can và đối sánh với dấu vân tay thu được tại hiện trường cũng như nhân dạng mà nhân chứng miêu tả lại. Đến ngày 4/5/2013, hung thủ sát hại bác sĩ Nguyệt được xác định khi liên quan đến một vụ án khác. Theo đó, qua tra cứu, C53 xác định dấu vân tay của hung thủ trùng với dấu vân tay thu được tại hiện trường… Và những vụ án rúng động như vụ Lê Văn Luyện (ở Bắc Giang), vụ sát hại 2 người ở Kiên Giang. Trong những vụ án này, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát yêu cầu C53 phải trực tiếp mang phương tiện, thiết bị phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác phá án. Là cơ quan trực tiếp quản lý toàn bộ thông tin về tội phạm và sử dụng công nghệ thông tin, C53 đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Buộc “tàng thư”…

biết nói

Theo Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, vai trò của “tàng thư” rất quan trọng, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam khi mới phát sóng trên VTV1 là minh chứng cho điều này. Khi nhận thấy tính xã hội, nhân đạo và nhân văn sâu sắc của chương trình, lực lượng HSNVCS có thể tham gia tìm kiếm thông tin về người thân bị thất lạc qua tra cứu, khai thác hệ thống hồ sơ, “tàng thư” nên C53 đã báo cáo xin chủ trương của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, chủ động gặp gỡ, bàn bạc với những người làm chương trình xây dựng kế hoạch tìm kiếm người thân bị thất lạc và tìm di ảnh người đã mất. Đến nay, C53 đã tra cứu, xác minh giúp tìm ra 53 trường hợp thất lạc để đoàn tụ với người thân.

Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 33 có tiêu đề “Tiếng nói của tàng thư”, đây là một cái kết đầy cảm động của sự đoàn tụ gia đình đầy bất ngờ của trường hợp anh Lâm Văn Thuận (quốc tịch Campuchia) với người mẹ đã 84 tuổi của mình ở Việt Nam sau hơn 40 năm thất lạc (trong đó có 33 năm thất lạc, mưu sinh trên đất nước Campuchia). Để góp phần làm nên cuộc đoàn tụ đó, các cán bộ, chiến sĩ của Cục C53 đã xác định thông tin anh Thuận tìm cha mẹ đẻ chỉ là tờ cam kết cho con mang tên người cha là Lâm Vul, căn cước số 001976 cấp tại Sài Gòn ngày 13/6/1960; mẹ là Lê Thị Hải (SN 1926, căn cước số 010919 cấp tại Sài Gòn ngày 13/6/1960). Nhờ vào kết quả tra cứu “tàng thư”, Đội tìm kiếm của Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã nhanh chóng tìm ra gia đình của bà Hải - người mẹ mà anh Thuận tìm kiếm suốt bao năm tại con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh. Bà Hải đã ở cái tuổi cuối đời, ước nguyện cuối của bà là tìm được người con trai bị lưu lạc từ lâu. Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ chia sẻ: “Được chứng kiến cảnh đoàn tụ ấy, các cán bộ, chiến sĩ của C53 cảm thấy như chính mình vừa tìm lại được người thân. Đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất và gần gũi với người dân nhất của cán bộ, chiến sĩ CC53”.

Hiện nay, hàng ngày, hàng giờ… với công việc thầm lặng, sự nỗ lực hết mình, lực lượng C53 tiếp tục góp phần vào công tác đấu tranh chống tội phạm, phá những vụ án để nối tiếp truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân, đấu tranh vì sự bình yên của người dân.