Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải báo cáo phương án xây lại trước khi phá dỡ biệt thự cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản về việc tăng cường quản lý việc bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền phải báo cáo UBND TP về phương án xây lại công trình trên khuôn viên đất của biệt thự cũ trước khi cho phép phá dỡ và phải chịu trách nhiệm trước TP về việc chủ đầu tư xây dựng đúng theo phương án đã được chấp thuận. 

 
Biệt thự cũ tại phố Hàng Đào.Ảnh: Hải Linh
Biệt thự cũ tại phố Hàng Đào.Ảnh: Hải Linh
Để tăng cường việc quản lý quỹ nhà biệt thự, TP yêu cầu trong trường hợp đặc biệt phải phá dỡ nhà biệt thự theo quy định tại Điều 10 của Quy chế, đối với biệt thự nhóm 3, Sở Xây dựng hoặc UBND quận phải kiểm tra phương án xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất của chủ đầu tư để đề xuất, báo cáo với UBND TP trước khi đề nghị cho chủ đầu tư phá dỡ biệt thự. Theo quy định, phương án xây dựng lại là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và biệt thự do các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng hoặc biệt thự đan xen sử dụng giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân do Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo. Với biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng, UBND quận có trách nhiệm báo cáo, đề xuất với UBND TP.

Sau khi có sự chấp thuận, cho phép của UBND TP, Sở Xây dựng và UBND các quận có đề nghị cho phép phá dỡ nhà biệt thự để xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất của chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND TP trong việc kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện theo đúng phương án đã được xem xét, chấp thuận. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Theo quy định của Quy chế, biệt thự thuộc đối tượng quản lý được phân loại thành 3 nhóm. Trong đó, biệt thự nhóm 1 (đánh giá từ 70 - 100 điểm) gồm những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự gắn liền với cách mạng - kháng chiến được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (đánh giá từ 30 - 35 điểm về giá trị kiến trúc nghệ thuật). Biệt thự nhóm 2 (đánh giá từ 50 - 69 điểm) gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc biệt thự nhóm 1. Biệt thự nhóm 3 (đánh giá dưới 50 điểm) gồm những biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 và biệt thự nhóm 2. Tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ. Trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng hoặc UBND quận kiểm tra, báo cáo UBND TP cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự.
Theo danh mục đã được HĐND TP thông qua, Hà Nội có 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.