Như vậy, so với quy định hiện nay sẽ có nhiều thay đổi lớn về cách thức ghi trên văn bằng giáo dục ĐH. Theo Thông tư số 19/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức khác nhau. Đồng thời văn bằng theo quy định hiện hành cũng phân biệt rõ ràng các hình thức đào tạo. Đáng chú ý, là có sự phân biệt tên văn bằng tuỳ theo khối ngành đào tạo như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân…
Nhưng nếu dự thảo này được thông qua thì bằng tốt nghiệp ĐH sẽ không còn các nội dung trên và tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ ĐH chỉ gọi chung là bằng cử nhân. Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo này, đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đại diện một số trường ĐH cho rằng, việc bỏ phân loại tốt nghiệp là hợp lý, theo thông lệ quốc tế. Bằng tốt nghiệp chỉ là minh chứng người đó hoàn thành chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo. Do vậy việc ghi hay không ghi phân loại tốt nghiệp, hình thức đào tạo không có nhiều ý nghĩa. Khi tuyển dụng, các đơn vị tuyển dụng sẽ nhìn vào bảng điểm, chứ không phải nhìn vào tấm bằng khá hay giỏi. Còn năng lực của từng người, hiệu quả công việc sẽ chứng minh, chứ không phải chỉ dựa vào kết quả được ghi trên bằng hay bảng điểm.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, lại có nhiều chuyên gia giáo dục phản đối. Họ cho rằng, với tình hình đào tạo ở Việt Nam hiện nay, nếu bỏ ghi văn bằng và hình thức đào tạo thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống. Và đừng so sánh với quốc tế, vì đào tạo ĐH ở Việt Nam còn quá nhiều bất cập, không thể so sánh với chất lượng quốc tế. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế thì hệ thống đào tạo, các thông lệ, trình độ về văn hóa - văn minh cũng phải đồng bộ như họ. Còn nếu chỉ học hỏi quốc tế mỗi cách ghi nội dung trên tấm bằng ĐH e rằng còn quá nhiều khập khiễng. Đây là hình thức cào bằng, làm mất động cơ phấn đấu của mỗi người học!
Lại có ý kiến đề xuất, nếu muốn bỏ phân loại chính quy, tại chức, tập trung hay không, trước tiên mọi hình thức đào tạo phải có cùng nội dung, thời gian học và đòi hỏi chất lượng đào tạo như nhau. Bởi thực tế hiện nay, chất lượng giữa các hình thức đào tạo có sự cách biệt lớn, nếu ghi như nhau là không công bằng.
Về phía sinh viên, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định trên của Bộ GD&ĐT, bởi việc xếp loại thể hiện trên tấm bằng ĐH là động lực, mục tiêu phấn đấu. Còn những đơn vị tuyển dụng cũng nhìn vào đó đánh giá chất lượng đầu vào nguồn nhân lực. Văn bằng không thể đánh giá được 100% nhưng có thể thể hiện được 60 - 70% năng lực của từng người.
Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều, để đưa ra qui định phù hợp với điều kiện Việt Nam, và tạo động lực cho từng người học và thể hiện được sự công bằng cũng như chất lượng đào tạo của các trường ĐH trong nước.