“Một thực tế đáng buồn mà dẫu có yêu Lịch sử bao nhiêu, chúng ta cũng không thể phủ nhận, đó là vị trí của môn học này ngày càng trở nên mờ nhạt trong tâm thức HS. Đa số HS không còn hứng thú với tiết học Lịch sử, không đầu tư thời gian và tâm sức cho việc học Sử, và hiện nay, ít HS chọn Lịch sử là con đường nghề nghiệp tương lai. Thậm chí, HS chỉ coi Lịch sử là môn học phụ trong chương trình, chỉ xác định học đủ để thi tốt nghiệp. Thực trạng đáng buồn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Nỗi ám ảnh từ con đường quá chật hẹp cho sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, sự bất cập của chương trình, sách giáo khoa, quan niệm của HS và phụ huynh… Và cũng có một phần không nhỏ do phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của giáo viên. Trong phương pháp dạy học vẫn nặng về truyền thụ một chiều kiến thức lý thuyết. Việc rèn kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn cho HS thông qua khả năng vận dụng tri thức tổng hợp chưa thực sự được quan tâm. Hoạt động kiểm tra đánh giá chưa bảo đảm yêu cầu khách quan, chính xác, công bằng. Việc kiểm tra chủ yếu chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức và đánh giá qua điểm số đã dẫn đến tình trạng giáo viên, HS duy trì dạy học theo lối “đọc - chép” thuần túy, HS học tập thiên về ghi nhớ, ít quan tâm vận dụng kiến thức… Theo tôi, trước thực trạng dạy và học ở nhà trường phổ thông nói chung và môn Lịch sử nói riêng đặt ra yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Dạy học, kiểm tra đánh giá phải hướng tới phát triển năng lực cho HS. Mục tiêu của dạy học hướng tới phát triển năng lực HS không dừng lại ở việc HS biết những gì, mà quan trọng hơn là HS làm được gì?”.